Các thành phố trên thế giới đang ngày càng phát triển, dân số đô thị không ngừng gia tăng. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, đến năm 2030, sẽ có khoảng 5 tỷ người sống tại khu vực đô thị.
Với sự tăng chóng mặt của dân số đô thị, các thành phố sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông xuống cấp, thất nghiệp… Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết phải có các giải pháp thông minh hơn để kiểm soát những thách thức từ sự phát triển gây nên. Hiện nay, một số thành phố lớn trên thế giới đã thành công trong việc áp dụng mô hình thông minh để giải quyết những vấn đề này.
Các chuyên gia thảo luận về giải pháp xây dựng Thành phố thông minh. |
Tại Hội thảo Thúc đẩy đổi mới đô thị với mô hình “thành phố thông minh” do Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) phối hợp với Học viện Cán bộ Quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức chiều 22/8, các chuyên gia đã đề cập đến nhiều mô hình thành phố thông minh - "Smart City" trên thế giới và bài học cho Việt Nam.
Theo đó, mô hình "thành phố thông minh" sẽ dựa trên những trụ cột kinh tế thông minh, con người thông minh, môi trường thông minh... với nền tảng là ứng dụng khoa học công nghệ. Mô hình "thành phố thông minh" cũng giúp các đô thị bắt kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chẳng hạn như tại Hà Lan, dự báo năm 2050 sẽ có khoảng 70% dân số sống ở khu vực đô thị. Áp lực về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và các nguồn tài nguyên ngày càng tăng, đòi hỏi phải có giải pháp thông minh. Trong đó, xe đạp đang trở thành một giải pháp giúp giảm ùn tắc giao thông và thân thiện với môi trường.
Tại Hà Lan, xe đạp đóng góp 40% lưu lượng giao thông. Người Hà Lan là chuyên gia về đảm bảo tính “bikeability” (thuận lợi và thân thiện với xe đạp). Quy hoạch đô thị đã kết hợp đường dành cho xe đạp trong mạng lưới giao thông vận tải, có đèn tín hiệu giao thông và biển chỉ dẫn đường dành riêng cho xe đạp để điều tiết giao thông.
Hay như tại Seoul, Hàn Quốc, các camera giám sát (CCTV) được đặt ở rất nhiều nơi, đặc biệt là các khu vực công cộng, trên đường phố, nhà hàng, khách sạn... Hình ảnh sẽ được truyền về một trung tâm dữ liệu chung giúp đảm bảo an ninh toàn thành phố.
Các chuyên gia Hàn Quốc gợi ý các thành phố ở Việt Nam có thể quản lý đô thị theo cách này. Hiện nay, cảnh sát Việt Nam chủ yếu giải quyết các vụ việc pháp luật khi nó đã xảy ra thay vì ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn ngay khi nó sắp diễn ra.
Đó chỉ là một vài dẫn chứng về cách thức xây dựng "thành phố thông minh". Theo TS Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, công nghệ sẽ là giải pháp để phát triển "thành phố thông minh" hướng đến phục vụ con người.
Chẳng hạn như tại Hà Nội, vừa qua đã dần xây dựng "thành phố thông minh" thông qua việc hình thành phố đi bộ, ứng dụng trông xe ô tô qua phần mềm điện thoại thông minh, ứng dụng tham quan Nhà hát Lớn bằng phần mềm 3D...
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các đô thị cùng với nhiệm vụ được Chính phủ giao là đơn vị chủ trì thực hiện đề án "Đào tạo bồi dưỡng năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp", Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cũng đã triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác đào tạo trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.