Ông Trần Trọng Huy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn The Royal Việt Nam cho biết, ngay sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều người dân lao động tại tỉnh Nam Định đứng trước khó khăn khi mất nguồn thu nhập nên Hội Doanh nghiệp tỉnh Nam Định đã huy động các "mạnh thường quân" ủng hộ tiền, gạo để phát cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ban Tổ chức đã tiếp nhận hơn 10 tấn gạo và sẽ tiến hành phát cho mỗi người dân 3kg gạo từ ngày 17/4 đến khi công bố hết dịch.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 17/4 tại thành phố Nam Định trời mưa khá nặng hạt nhưng rất đông người dân đến Trung tâm Văn hóa Thể thao thanh thiếu niên tỉnh Nam Định xếp hàng để nhận gạo. Để tránh lây lan dịch bệnh, Ban Tổ chức đã bố trí cho người dân giữ khoảng cách 2 m, tiến hành đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đồng thời khai báo tên tuổi, địa chỉ trước khi nhận gạo.
Để có đủ lượng gạo phát cho người dân nghèo, Ban Tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh cùng chung tay quyên góp, ủng hộ tinh thần và vật chất để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch. Ngay trong ngày đầu tổ chức phát gạo đã có 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định ủng hộ 400 kg gạo.
* Điểm phát gạo miễn phí tự động (còn gọi là “ATM gạo") tại phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) chính thức đi vào hoạt động, phát gạo cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vào ngày 17/4.
Để tránh tụ tập đông người và đảm bảo đúng quy định giãn cách xã hội, UBND phường Hàm Tiến bố trí thời gian nhận gạo luân phiên theo khu phố. Ghi nhận trong sáng 17/4, hơn 30 người dân đến xếp hàng nhận gạo. Mỗi người dân đến nhận gạo đều có phiếu do UBND phường phát về khu phố, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và xếp hàng theo vị trí đã kẻ sẵn, đảm bảo khoảng cách theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 và được nhận 3 kg gạo/lần. Điểm mới so với các “ATM gạo” khác là người dân chỉ cần giơ bàn tay vào nút cảm ứng để hệ thống nhận diện và gạo tự động chạy ra.
Điểm phát gạo tự động này sẽ hoạt động trong giờ hành chính. Trên cơ sở số hộ nghèo, cận nghèo của địa phương, khu phố sẽ phát thẻ gạo cho người dân có nhu cầu thực sự. Sau khi đảm bảo cung cấp đủ gạo cho những hộ nghèo, cận nghèo của địa phương và căn cứ số lượng gạo huy động, phường sẽ mở rộng ra những người dân có hoàn cảnh khó khăn, những người bán vé số, xe ôm... Biết thông tin về chương trình, nhiều nhà hảo tâm đã chở gạo đến hỗ trợ, cùng chung tay đóng góp và đến nay kho đã có khoảng 5 tấn gạo để phát cho người dân.
Cũng trong sáng 17/4, điểm phát gạo miễn phí tự động của một doanh nghiệp tại số 24 Nguyễn Văn Trỗi, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết đi vào hoạt động. Tại đây, mỗi người dân được nhận 5 kg/lần. Dự kiến, “ATM gạo” này sẽ phát gạo luân phiên cho hơn 600 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 8 phường trên địa bàn thành phố Phan Thiết.
Thời gian qua, mô hình “ATM gạo” đã đem lại hiệu ứng tích cực tại Bình Thuận. Đến nay, trên địa bàn thành phố Phan Thiết có 3 “ATM gạo” đi vào hoạt động. Không chỉ giúp đỡ kịp thời những đối tượng yếu thế, bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, mô hình đã tạo được sự lan tỏa phát huy “tinh thần tương ái” trong cộng đồng với mục tiêu cao cả "Chung tay đẩy lùi dịch bệnh". Nhiều đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã chở gạo đến để ủng hộ gạo, giúp duy trì hoạt động của các “ATM gạo”.
Để có thêm nhiều chương trình hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, tỉnh Bình Thuận cũng đang gấp rút thực hiện để chương trình thiện nguyện “Siêu thị hạnh phúc” (Siêu thị 0 đồng) đi vào hoạt động trong tuần tới. Siêu thị sẽ có các gian hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm; một gian hàng sách, truyện và một gian hàng quần áo. Mỗi người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được mua không quá 5 sản phẩm giá 0 đồng/lần, giá trị không quá 100.000 đồng/lần và hai tuần/lần/người.
*Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) vừa triển khai gói 8 tỷ đồng hỗ trợ giảng viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến do ảnh hưởng dịch COVID -19. Ngoài ra, trường cũng có các chương trình khác để hỗ trợ sinh viên.
Theo đó, tất cả sinh viên được hỗ trợ 100.000 đồng/người phí internet để học trực tuyến. Trường dành 5 tỷ đồng hỗ trợ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID -19. Giảng viên chuẩn bị bài giảng trực tuyến phục vụ các hoạt động giảng dạy sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tín chỉ/học phần.
Ông Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết: Gói hỗ trợ 8 tỷ đồng được trích từ ngân sách của trường, góp phần giúp thầy và trò cùng đoàn kết, chia sẻ những khó khăn, thách thức để chiến thắng dịch COVID-19.
Ngoài chương trình hỗ trợ học phí cho sinh viên, thù lao cho giảng viên, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT–TTg, Trường Đại học Nha Trang hỗ trợ suất ăn miễn phí trong ngày cho gần 200 học viên, sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam đang lưu trú tại Ký túc xá của nhà trường, theo mức 57.000 đồng/ngày.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trường Đại học Nha Trang không tổ chức cho sinh viên học tập trung ở trường. Nhằm đảm bảo công tác đào tạo được thực hiện theo đúng kế hoạch học kỳ II năm học 2019 - 2020, từ ngày 30/3, trường thực hiện hoạt động dạy học trực tuyến trên hệ thống NTU E-learning (địa chỉ http://elearning.ntu.edu.vn) và các công cụ hỗ trợ dạy học khác. Theo đó, 330 giảng viên đã tham gia dạy trực tuyến cho hơn 13.000 sinh viên. Trường sẽ sửa đổi quy chế đào tạo để tăng tỷ lệ tính điểm bằng hình thức đào tạo E-learning.