Do mưa lớn, nước ngập vào nhà, bố mẹ sơ ý nên cháu Tài ngã từ giường xuống, bị ngạt nước.
Nhiều tuyến đường tại thành phố Thanh Hóa bị ngập nặng sau mưa lớn ngày 16/9. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN |
Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Thanh Hóa
đã có hai người chết do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều địa phương bị ngập
úng, cô lập. Đáng chú ý là khoảng 8 giờ ngày 16/9, lũ quét đã xảy ra
tại xã Cẩm Thạch, huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Do lượng mưa lớn, nước từ đồi núi xung quanh trút xuống khe Bên Bài khiến con đường giao thông duy nhất vào làng Thung, xã Cẩm Thạch bị chia cắt. Toàn bộ 48 hộ dân (với gần 200 nhân khẩu) làng Thung bị cô lập hoàn toàn. Đến 18 giờ ngày 16/9, lượng nước đổ về vẫn còn nhiều, vì thế làng Thung vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị cô lập.
Ngay khi nắm bắt được thông tin, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, lãnh đạo huyện Cẩm Thủy đến hiện trường kiểm tra tình hình, chỉ đạo các biện pháp khắc phục. Tại những điểm bị ngập, huyện và xã đã cử lực lượng công an viên đến canh gác, kiểm soát việc đi lại nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân.
Tại huyện Bá Thước, các xã Điền Lư, Điền Trung, Lương Trung có trên 200 hộ bị ngập úng cục bộ, phải di rời tài sản và người khỏi vùng nguy hiểm. Tuyến đường 217 đoạn qua phố Điền Lư, Điền Trung bị ngập lụt cục bộ với chiều dài hơn 1 km mét gây ách tắc giao thông gần 3 giờ đồng hồ. Các tuyến đường 521C đoạn qua Làng Leo xã Thành Lâm, tuyến đường Hạ Trung đi Lương Nội đoạn dốc Ê, Quốc lộ 15 làng Đô xã Thiết Ống với tổng khối lượng đất đá bị sạt lở hàng chục nghìn m3 làm chia cắt giao thông giữa các xã.
Ngoài ra, ngập lụt còn làm vỡ hai mấu cầu tại xã Điền Quang, trôi hai cầu tạm tại xã Lương Trung, hư hỏng hai công trình thủy lợi ở xã Ái Thượng. Hiện, huyện Bá Thước đang tập trung xử lý bằng cách huy động tối đa lực lượng đến các thôn, phố, khu dân cư, những khu vực xung yếu khẩn trương di rời các hộ có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chốt chặn, cắm biển báo những khu vực nguy hiểm cho người và các phương tiện, đảm bảo không gây thiệt hại về người, hạn chế thiệt hại về tài sản cho nhân dân....
Tại huyện Thạch Thành, do lượng nước đổ về từ Hòa Bình, mực nước sông Bưởi tại xã Thạch Lâm (Thạch Thành) lên nhanh, mỗi giờ từ 40 cm đến 45 cm. Đến 15 giờ ngày 16/9, xã đã huy động lực lượng di dời 37 hộ dân ở thôn Biện, thôn Nghéo, thôn Đồi ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cũng tại Thạch Lâm, tuyến giao thông từ đường Hồ Chí Minh đi huyện Lạc Sơn, Hòa Bình đã bị sạt gần 20m, xã đã huy động lực lượng dân quân và xe, máy giải tỏa ách tắc, đảm bảo giao thông. Mưa lớn đã gây ngập hơn 1 km Quốc lộ 217B đoạn qua xã Thành Vân, ngập úng cục bộ hàng trăm ha lúa mùa đang chuẩn bị thu hoạch.
Mực nước sông Bưởi tại Kim Tân đã ở mức 9 m 46 và đang tiếp tục lên nhanh. Dự kiến đêm nay 16/9, rạng sáng mai, nước sông Bưởi tại Kim Tân sẽ lên xấp xỉ báo động II.
Đến cuối ngày 16/9, tỉnh Thanh Hóa có 357 nhà bị ngập nước, hai nhà bị tốc mái, 48 nhà sập hoàn toàn; 1.858 ha lúa bị ngập; 220 ha ngô bị đổ, gãy; 93 ha mía bị đổ, gãy; 742 ha rau màu, hoa màu bị thiệt hại; khoảng 80.100 m3 đê bao nuôi trồng thủy hải sản bị cuốn trôi; 320 m đê dưới cấp III bị sạt; 50m đê biển bị xói lở.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 18 km bờ biển bị sạt lở, bị nước xâm thực, trong đó xã Quảng Nham (Quảng Xương) bị sạt lở 5,2 km, thành phố Sầm Sơn 0,5 km, huyện Hoằng Hóa 12,5 km.