Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, dông, lốc sét, gió giật mạnh, thông tin kịp thời đến cộng đồng, người dân để chủ động phòng tránh; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hai về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Tại huyện Bắc Quang (Hà Giang), sạt lở đất đá làm sập bức tường phía sau nhà em Nguyễn Văn Lâm (khi đó em Lâm đang ngủ) tại tổ 1, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang khiến Lâm nguy kịch. Gia đình và người dân đã đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng em không qua khỏi.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo huyện Bắc Quang và đại diện các cơ quan hữu quan đã tới thăm hỏi, động viên gia đình em Nguyễn Văn Lâm. Thay mặt lãnh đạo huyện Bắc Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Dương Tiến Son đã chia sẻ mất mát, động viên gia đình vượt qua nỗi đau; đồng thời chỉ đạo các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục sạt lở, di chuyển đồ dùng giúp gia đình em Lâm sớm ổn định cuộc sống.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, trong các ngày 11/9 từ đến 13/9, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa vừa, mưa to kéo dài kèm theo giông sét gây ngập úng, sạt lở đất tại một số địa phương, gây thiệt hại nặng tài sản, hoa màu, nhiều công trình phúc lợi… ước tổng thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng.
Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang Lê Anh Dũng cho biết, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đã đề nghị lãnh đạo UBND các huyện khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng hỗ trợ gia đình bị thiệt hại; trực ban 24/24 giờ, nắm bắt diễn biến của thời tiết và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại tỉnh Điện Biên, sáng 13/9, tại km 22+530, Quốc lộ 279, đoạn qua địa phận xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, đã xảy ra sự cố sạt lở đất, đá từ độ cao hơn 20m xuống quốc lộ 279 với khối lượng khoảng 2.300m3. Sự cố đã làm tuyến quốc lộ huyết mạch nối tỉnh Điện Biên với các tỉnh miền xuôi bị ách tắc gần 4 giờ. Các lực lượng chức năng đã huy động, tập kết máy móc, trang thiết bị để thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Công ty Cổ phần đường bộ 226 đang phối hợp với Chi cục quản lý đường bộ I.2 (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) và lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Điện Biên) khắc phục sự cố này. Tại hiện trường, cơ quan chức đã huy động nhiều nhân lực và một máy xúc để san gạt khối lượng đất đá xuống lòng suối phía ta-luy âm.
Các cơ quan chức năng sẽ cố gắng thông tuyến tạm thời 1 làn để các phương tiện qua lại, giải phóng tình trạng ách tắc, ùn ứ giao thông trên tuyến quốc lộ trong thời gian sớm nhất trong ngày. Công tác giải phóng mặt bằng sau đó sẽ được các đơn vị tiếp tục triển khai để đảm bảo an toàn cho các loại phương tiện tham gia giao thông qua điểm sạt lở này.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, sạt lở đất đêm ngày 10/9, rạng sáng ngày 11/9 tại thôn Cửa Cải – Vĩ Mã, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng đã làm sập tường 2 phòng học. Ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Tại tỉnh Vĩnh Long, dông lốc ngày 11/9 trên địa bàn huyện Long Hồ đã làm 12 nhà bị sập, đổ, 91 nhà bị hư hỏng; 19,5 ha cây ăn quả bị gãy đỗ. Ước thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã chỉ đạo cơ quan liên quan huy động lực lượng triển khai công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.