“Chúng ta có những kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến ở các khu vực để dự phòng cho công cuộc điều trị, phòng chống dịch COVID-19. Với bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn, tôi nghĩ đây là một quyết định rất đúng đắn và chính xác của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ.
Có mặt tại Đà Nẵng ngay từ ngày đầu bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2, đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về diễn biến dịch tại thành phố?
Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ cũng như của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, chúng tôi đều đưa ra đánh giá tình hình dịch COVID tại Đà Nẵng hiện giờ vẫn đang trong tầm kiểm soát được. Những trường hợp mắc mới cũng đã được cách ly và đưa đi điều trị, những trường hợp F1 đã được cách ly tập trung. Điều này thể hiện sự quyết liệt của thành phố trong vấn đề truy vết, tìm kiếm những trường hợp F1 và những ca dương tính để chuyển đến những đơn vị điều trị như Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn hoặc những khu cách ly.
Chúng tôi cũng hi vọng trong thời gian tới, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh và cũng sẽ giảm số lượng ca mắc mới ở tại thành phố Đà Nẵng.
Với sự góp sức của Tập đoàn Sun Group, Đà Nẵng vừa có thêm Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Ông đánh giá như thế nào về bệnh viện dã chiến này?
Chúng tôi đã tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát và góp ý về các quy trình chuẩn bị của bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Và cho đến bây giờ thì chúng tôi rất hài lòng về chất lượng của bệnh viện. Chất lượng công trình xây dựng và những trang thiết bị của bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn đạt được những tiêu chí mà Bộ Y tế đã ban hành.
Về nỗ lực của các doanh nghiệp tư nhân khi đồng hành cùng Đà Nẵng nói riêng và ngành y tế nói chung trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ý kiến của ông như thế nào?
Thành phố Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc, đóng góp và cống hiến của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là Sun Group. Họ đã nỗ lực chung tay cùng với chính quyền, nhà nước tham gia vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng.
Từ mô hình xã hội hóa công trình Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng, xã hội, chính quyền các địa phương, không chỉ là thành phố Đà Nẵng mà còn các địa phương khác trên cả nước, để chúng ta có thể có nhiều bộ công cụ phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ người dân trong tình hình dịch COVID-19.
Vậy bệnh viện dã chiến này có ý nghĩa như thế nào với cuộc chiến phòng chống COVID-19 của thành phố Đà Nẵng, thưa ông?
Bệnh viện dã chiến này được thành lập dựa trên kế hoạch của thành phố Đà Nẵng và đã được ngành y tế tham gia đóng góp. Chúng ta có những kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến ở các khu vực để dự phòng cho công cuộc điều trị, phòng chống dịch COVID-19 và với bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn, tôi nghĩ đây là một quyết định rất đúng đắn và chính xác của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng.
Với sự vào cuộc rất quyết liệt và nhanh chóng của Sun Group, chúng ta đã hoàn thành được bệnh viện dã chiến. Chúng tôi nghĩ hiện giờ, đây là một cơ sở rất cần thiết để triển khai thêm việc thu nhận và điều trị các bệnh nhân dương tính với COVID-19. Hiện có hai đơn vị trên thành phố Đà Nẵng là Trung tâm y tế Hoà Vang và Bệnh viện Phổi thành phố Đà Nẵng làm bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận bệnh nhân. Hai bệnh viện này đã thu dung đủ số bệnh nhân nhiễm COVID. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, những trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc trung bình sẽ được tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện dã chiến Cung thể thao Tiên Sơn.
Xin ông chia sẻ thêm, với tình hình thực tế hiện nay tại Đà Nẵng thì khó khăn và thuận lợi nhất trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 là gì?
Thuận lợi đầu tiên là chúng ta đã có một hệ thống chính quyền rất quyết liệt và mạnh mẽ trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Thứ hai, ngành y tế của chúng ta đã vào cuộc và đã tăng năng lực xét nghiệm, tăng năng lực điều trị, ví dụ cụ thể là Cung thể thao Tiên Sơn này đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị những bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong giai đoạn sau của thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, chúng ta có được sự vào cuộc, nỗ lực chung tay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Tôi thấy rất nhiều các doanh nghiệp đã ủng hộ cho thành phố Đà Nẵng, ví dụ như Sun Group làm bệnh viện dã chiến, nhiều doanh nghiệp khác đã mua những trang thiết bị, vật dụng tài trợ cho công cuộc phòng chống dịch ở Đà Nẵng.
Cuối cùng, tôi nghĩ quan trọng nhất là tinh thần vào cuộc của người dân, của cộng đồng. Chúng ta cùng chung tay chấp hành, tổ chức tuyên truyền vận động, nhắc nhở bà con tuân thủ đúng những Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ. Khi tiến hành giãn cách xã hội được thì tỷ lệ người bị lây COVID-19 sẽ giảm xuống, đó là điểm thuận lợi.
Còn về khó khăn, chúng ta đều biết là dịch COVID-19ở thành phố Đà Nẵng khởi phát từ một bệnh viện và đã rất nhanh chóng lây lan ra những người bệnh, những người yếu thế thường là những người có sẵn bệnh nền, bệnh nặng, lớn tuổi. Như vậy, khi họ mắc thêm COVID-19 sẽ gây nên tình trạng nguy hiểm cho tính mạng. Chúng ta rất buồn khi số lượng người tử vong ở giai đoạn 1 là không có ca nào, đến giai đoạn hai bắt đầu thấy trường hợp tử vong. Đây là một yếu tố gây khó khăn rất lớn cho ngành y tế khi chúng ta phải cấp cứu bệnh nhân nặng, ví dụ như chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế.
Hai trung tâm ở Hoà Vang, bệnh viện phổi Đà Nẵng đều phải thiết lập những phòng hồi sức cấp cứu để tiếp nhận những bệnh nhân nặng đến để hồi sức cấp cứu. Rất nhiều những loại máy móc hiện đại như ECMO, máy lọc thận, các hệ thống hồi sức cũng đã được huy động để giúp ngành y tế có cơ hội cứu chữa được những bệnh nhân nặng mà bị mắc COVID-19.
Xin cảm ơn ông!