Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình, dự án thí điểm này được triển khai trên cơ sở đánh giá chi tiết hiện trạng kinh tế xã hội và giao thông vận tải khu vực tổ chức phố đi bộ và tham khảo kinh nghiệm về tổ chức phố đi bộ trên thế giới và trong nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Dự án không chỉ mang lại hiệu quả về cải thiện tình hình giao thông, tô điểm cho dải trung tâm thành phố xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, nâng cao giá trị văn hóa du lịch, phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.
Về khung giờ tổ chức phố đi bộ, năm nay thành phố sẽ tổ chức phố đi bộ từ 19 giờ đến 23 giờ trong các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và dịp lễ, tết của quốc gia và thành phố. Ngoài ra, sang năm 2020 phố đi bộ sẽ bắt đầu từ 19 giờ đến 23 giờ trong các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và tổ chức cả ngày trong một số ngày lễ, tết của quốc gia, thành phố.
Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Bình cho biết, phố đi bộ được tổ chức nhằm tạo không gian đi bộ an toàn, thoải mái cho người dân, khách du lịch khi tham gia vào các hoạt động tại tuyến phố đi bộ. Phân luồng giao thông từ xa hợp lý bảo đảm các hoạt động giao thông thông suốt khu vực tổ chức phố đi bộ.
Cùng với đó, bố trí các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe bảo đảm năng lực, cự ly tiếp cận hợp lý từ bãi trông giữ phương tiện tới khu vực phố đi bộ, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của cả người dân sinh sống trong khu vực phố đi bộ và khách tham quan.
Các đơn vị tổ chức các tuyến vận tải hành khách công cộng kết nối đến khu vực tổ chức phố đi bộ đảm bảo vị trí các điểm dừng, đón trả khách thuận tiện cho người dân và du khách. Hướng dẫn những phương tiện ưu tiên (xe cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát) được phép đi vào khu phố đi bộ trong trường hợp cần thiết.
Về phương án phân luồng giao thông, thành phố sẽ cắm biển cấm, biển thông báo, biển hướng dẫn phân luồng giao thông phục vụ công tác tổ chức phố đi bộ tại hai tuyến đường dọc sông Tam Bạc.
Vì vậy, cấm tất cả loại phương tiện (xe ô tô, xe máy, xe máy điện xe đạp điện, xe thô sơ) lưu thông trên hai tuyến đường Tam Bạc và Thế Lữ trong thời gian tổ chức phố đi bộ.
ngoài ra, cấm các loại xe ô tô lưu thông trên tuyến đường Lý Thường Kiệt (đoạn từ giao đường Trần Quang Khải đến giao đường Phạm Hồng Thái), đường Tôn Đản, đường Hạ Lý trong thời gian tổ chức phố đi bộ (từ 19 giờ đến 23 giờ cấm phương tiện lưu thông hai chiều, thời gian còn lại cấm lưu thông một chiều).
Đối với phương án bố trí các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe, thành phố tập trung đầu tư 2 bãi đỗ xe tại vị trí bến xe Lạc Long và khu vực bờ tây sông Tam Bạc (tiếp giáp giữa đường Phan Đình Phùng với sông Tam Bạc, đoạn gần cầu Lạc Long).
Ưu tiên bố trí đỗ xe cho người dân khu vực tổ chức phố đi bộ tại các điểm đỗ xe liền kề với khu vực tổ chức phố đi bộ như: điểm đỗ xe đường Lý Thường Kiệt, đường Hạ Lý. Thành phố còn nghiên cứu bố trí đỗ xe tại bến Bính và các tuyến phố lân cận, đáp ứng nhu cầu gửi xe vào những ngày cao điểm tổ chức phố đi bộ.
Về xe máy, xe máy điện, xe đạp điện, xe thô sơ của người dân trong khu vực trực tiếp triển khai tuyến phố đi bộ được cấp phù hiệu riêng để đưa xe vào nhà hoặc gửi xe miễn phí tại các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe được bố trí trong thời gian tổ chức phố đi bộ. Đối với xe ô tô của người dân ở trong khu vực này sẽ được cấp phù hiệu riêng gửi xe miễn phí tại các tại các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe...
Bí thư Quận ủy Hồng Bàng Đoàn Văn Chương chia sẻ, quận Hồng Bàng hội đủ các yếu tố của một đô thị có bề dày hình thành và phát triển lâu đời. Hồng Bàng đang từng bước đô thị hóa, trở thành đô thị - cảng biển, trung tâm kinh tế, khoa học, kỹ thuật tổng hợp, cửa khẩu giao thương quốc tế lớn của khu vực phía Bắc. Việc chọn thí điểm đường phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc thuộc quận nhằm tạo sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn cao đối với du khách.
Năm 2018, du khách tới Hải Phòng đạt trên 7,7 triệu lượt, tăng 16,18% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế đạt 857 nghìn lượt. Năm 2019, Hải Phòng phấn đấu thu hút 9 triệu lượt khách thăm.