Với nhiều học sinh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành, đây là lần thứ 2, việc học trực tuyến được triển khai trên diện rộng. Nhiều trường vẫn tiếp tục sử dụng phần mềm họp trực tuyến (video conference) của nước ngoài như Zoom, Microsoft Teams… Với nhiều học sinh lần thứ hai học trực tuyến, thao tác học trên các ứng dụng đã thành thạo hơn. Dù vậy, vì nhiều lý do, học sinh khi tham gia học trực tuyến vẫn thường xuyên bị out mạng, âm thanh chất lượng kém, hình bị giật do mạng không ổn định...
“Những vấn đề này không dễ xác định do cấu hình máy tính hay điện thoại, do phần mềm hay app hoặc do đường truyền.… Dù vậy, do tiện ích, dễ sử dụng, được nhiều người biết đến vẫn là lợi thế của ứng dụng ngoại và ngày càng được nhiều người sử dụng”, ông Nguyễn Quang Thái, chuyên gia phần mềm chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Phú, phụ huynh học sinh có con học khối phổ thông (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Nhà trường dạy qua ứng dụng Microsoft Teams; nhưng trong lớp cô giáo điểm danh qua ứng dụng Azota, còn học sinh trong lớp thì học trực tuyến, trao đổi bài với nhau qua ứng dụng nền tảng mở Jisti team. Điều này có thể thấy, việc sử dụng các ứng dụng tại các trường vẫn mang tính tự phát và bản thân học sinh có kỹ năng sẽ tìm ứng dụng mã nguồn mở để tự lập phòng họp trao đổi thông tin với nhau.
Trao đổi về lý do vẫn dùng các phần mềm từ nước ngoài cho việc dạy và học trực tuyến, lãnh phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, việc sử dụng các phần mềm sẽ do các trường quyết định. Tùy theo nội dung, chương trình học, các trường sử dụng các phần mềm khác nhau nhưng đa phần sử dụng Zoom và Microsoft Teams… bởi dễ sử dụng theo hướng trao đổi tương tác. Trong khi đó, một số phần mềm của các đơn vị Việt Nam giới thiệu trên thực tế chỉ là các bài giảng 1 chiều, không có sự tương tác với học sinh, một số thì khá phức tạp khó có thể yêu cầu phụ huynh tự cài đặt được. Còn các nhược điểm liên quan đến bảo mật, lần học trực tuyến này, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đã hướng dẫn, yêu cầu trường, giáo viên thực hiện nghiêm túc việc điểm danh, bật cam.
Trong khi đó, những nền tảng họp và học trực tuyến Make in Vietnam đã phát triển từ năm 2020 gần như không được biết đến. Tại các buổi ra mắt các nền tảng Make in Vietnam, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các nền tảng Make in Vietnam hướng đến đáp ứng nhu cầu của xã hội, được nhiều người sử dụng, trong đó tập trung nhiều vấn đề quan tâm thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế.
Vì vậy, trong sản phẩm Make in Vietnam ra mắt trong năm 2020 có 2 nền tảng dành cho họp và học và trực tuyến là Zavi của Zalo và CoMeet của liên minh CMC TS, NetNam, iWay, FDS và DQN. Đại diện của liên minh CoMeet khi đó lạc quan về triển vọng cung cấp một phần mềm họp trực tuyến với băng thông thông nội địa và dữ liệu đặt tại Việt Nam sẽ khắc phục được các nhược điểm của ứng dụng ngoại. “Tuy nhiên, thực tế tại đợt học trực tuyến trong tháng 2/2021 cho thấy các ứng dụng của nước ngoài như Zoom, Microsoft Teams vẫn được các trường sử dụng; còn phần mềm Việt phục vụ cho việc học trực tuyến gần như không được nhắc đến”, ông Việt Khôi, chuyên gia công nghệ thông tin chia sẻ.
“Việc có ứng dụng họp và học trực tuyến trên nền tảng mở không quá khó. Vấn đề là phải được truyền thông rộng rãi và có sự hướng dẫn từ ngành giáo dục và đào tạo. Thực tế thời gian qua, đơn vị quản lý ứng dụng Zoom, Microsoft… tiếp cận các trường, tư vấn sử dụng và bán theo gói dịch vụ bên cạnh việc sử dụng miễn phí trên mạng. Nếu sử dụng phần mềm miễn phí có sẵn thì bị giới hạn nhiều điều kiện về thời gian (thường chỉ 35 -40 phút), bị lag (chậm và giật)… Từ đó có thể thấy , các ứng dụng họp và học trực tuyến đang chiếm thị phần tại Việt Nam nhờ sự maketing, quảng bá tốt”, ông Nguyễn Quang Thái, chuyên gia phần mềm chia sẻ.
Việc sử dụng các phần mềm do các trường tự quyết và triển khai rộng ở thành phố lớn nên chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, thông qua số lượt xếp hạng tại từ các kho ứng dụng cho thấy, các ứng dụng như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet luôn đứng top đầu về tải miễn phí trên Play Store và App Store ở Việt Nam; trong khi các ứng dụng Make in Vietnam phục vụ cho nhu cầu này gần như không thấy có thống kê. Đáng chú ý lượt tải ứng dụng của Việt Nam nhiều trong tháng 2 lại là ứng dụng truy vết Bluezone.
“Việc các phần mềm họp và học trực tuyến được phổ cập tại Việt Nam sẽ đi đến câu chuyện thu thập dữ liệu người dùng và rộng hơn là hệ sinh thái của các ứng dụng ngày càng được mở rộng. Cũng như ứng dụng gọi xe từ các ứng dụng nước ngoài, từ khởi đầu chỉ là gọi xe, giờ đơn vị này đang mở rộng hệ sinh thái sang giao đồ ăn, thanh toán ví điện tử…”, ông Nguyễn Quang Thái nhận xét.
Với công cuộc chuyển đổi số, dù không có COVID-19, hình thức họp và học trực tuyến (video conference) vẫn sẽ phát triển bởi tính tiện lợi. Tuy nhiên, với tác động từ dịch COVID-19, hình thức này sẽ thúc đẩy nhanh hơn, hình thành một thói quen sử dụng cho lớp trẻ. Đại diện Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, thông thường việc áp dụng công nghệ mới đòi hỏi phải thay đổi thói quen và cách thức thực hiện công việc và điều này thường theo quy tắc 21/90 - nghĩa là mất 21 ngày để một thứ mới trở thành thói quen và 90 ngày để biến nó thành một sự thay đổi thường ngày. Do đó, dịch COVID-19 đã khiến nhiều người phải thay đổi thói quen trong hơn 21 ngày, tạo ra thói quen mới để làm việc, học tập và giải trí theo hình thức trực tuyến. Điều này sẽ thúc đẩy chuyển đổi số từ góc độ xã hội số.
Do đó, nếu các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam không sớm vào cuộc từ việc có sản phẩm đến phát triển, tạo ra nhiều người dùng để chiếm thị phần trên sân nhà thì vừa để tuột cơ hội, vừa mất dần thị phần. Dù đại diện Zavi và Comeet vẫn khẳng định là phần mềm sau khi ra mắt sử dụng tốt nhưng ít người biết đến cho thấy khoảng trống về phát triển sản phẩm đến người dùng, nhất là các giải pháp họp trực tuyến sẽ được dùng nhiều thời gian tới, tạo dựng một xã hội số, kinh tế số.