Các điều kiện cần
Tại cuộc họp trực tuyến giữa các Bộ: GTVT-Công Thương-NN&PTNT và Sở GTVT các địa phương ngày 15/9, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) thông tin, căn cứ vào tình hình thực tế, việc kiểm soát dịch bệnh có thể tạm thời chia làm 3 giai đoạn: Từ ngày 1-31/10, từ ngày 1/11/2021-15/1/2022 và sau ngày 15/1/2022.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã cấp hơn 556.800 giấy nhận diện phương tiện. TCĐBVN đang phối hợp cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) bắt đầu chạy thử nghiệm trên phần mềm quản lý dân cư quốc gia từ ngày 17/9, phấn đấu tích hợp việc cấp và quản lý QRCode phương tiện vận tải trên phần mềm của C06 vào cuối tháng 9.
Các tỉnh phía Nam hiện đã test nhanh cho 21.000 lượt lái xe, phía Bắc đã test nhanh cho 31.500 lái xe. Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đang xây dựng dự thảo về tổ chức giao thông từng giai đoạn và tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải; tổng hợp danh sách các lái xe vận tải để chuyển cho Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp triển khai cùng các địa phương tổ chức tiêm vaccine. Song, từ nay đến cuối tháng 9, thành phố vẫn giữ nguyên các biện pháp giãn cách xã hội.
Còn tại TP Hà Nội, Sở GTVT cũng đang tập trung xây dựng phương án mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh theo các hướng dẫn liên quan của Bộ GTVT và Bộ Y tế. Công an TP đang xây dựng triển khai hệ thống camera quét mã tự động tại 23 chốt kiểm soát để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện lưu thông.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), vướng mắc mới phát sinh là tại 14 tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Ngãi đang gặp khó khăn trong vận chuyển lợn, phục vụ chăn nuôi, thị trường tiêu dùng, do các địa phương yêu cầu phải vận chuyển bằng ô tô, trong khi việc vận chuyển lợn bằng ô tô gây phát sinh chi phí cao. Do vậy, các địa phương đang đề xuất các Sở GTVT tạo điều kiện cho vận chuyển bằng xe máy để linh hoạt tiếp cận các cơ sở chăn nuôi.
Để giải quyết vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, Bộ NN&PTNT cần có chỉ đạo các Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với các Sở Y tế, Sở Công thương và Sở GTVT để trao đổi, tham mưu giải pháp cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng đặc thù, nhằm duy trì chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Liên quan đến hoạt động vận tải nói chung, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nhận định, trong những ngày gần đây, giao thông cả nước cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Cá biệt chỉ xảy ra ùn ứ tại một số chốt kiểm soát do địa phương áp dụng quy định chưa thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GTVT. Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT tại các khu vực trọng điểm đã kịp thời có văn bản và trực tiếp xuống hiện trường phối hợp tháo gỡ. Vụ Vận tải đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố chưa thực hiện quy trình test nhanh hay PCR theo theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho lái xe cần khẩn trương triển khai thống nhất, đồng bộ về thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm, để tạo điều kiện cho lái xe vận tải lưu thông thông suốt.
Thống nhất phương án vận tải trong tình hình mới
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị kịch bản nới lỏng giãn cách và các quy định phòng chống dịch, Bộ GTVT đã giao các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên cả 5 lĩnh vực GTVT: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và hàng hải, để hướng dẫn triển khai trong tình hình mới với tinh thần khẩn trương, chuẩn bị kỹ lưỡng và đánh giá mọi tác động.
“Phương án tổ chức giao thông được xây dựng trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương. Sau khi thống nhất, các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, hạn chế 'rào cản' đối với người dân, doanh nghiệp vận tải và lái xe; đồng thời, yêu cầu các Sở GTVT sẵn sàng phương án tổ chức giao thông kết nối với các nhà ga, bến cảng, bến xe, cảng hàng không..., nhất là đối với các phương tiện cá nhân", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Bộ GTVT cũng đề nghị các cơ quan chức năng, lực lượng chức năng liên quan tại các địa phương rà soát, ngăn chặn quyết liệt các hiện tượng tiêu cực, nhất là việc cấp phép phương tiện có giấy nhận diện ưu tiên để chở người và hàng hóa trái phép, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, lái xe cố tình vi phạm.
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch, giao UBND TP xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9. Đối với vùng 2, vùng 3, Hà Nội yêu cầu chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ. Cùng với đó, các quận, huyện, các ngành phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, để đến khi thành phố có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, bắt tay ngay vào triển khai, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch.