Tại Hà Nội, tình trạng bụi gây ô nhiễm môi trường thường xuất hiện vào mùa đông và đầu xuân, kéo dài trong 3 tháng đầu năm và có cao hơn các nơi khác.
Theo ông Võ Tuấn Nhân, tại các trạm quan trắc tự động đo được ở Gia Lâm và tham chiếu với quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ trong quí I/2019, bụi đã vượt quy chuẩn cho phép, thời gian, nồng độ bụi cao bất thường trong tháng 1 và tháng 3, tập trung các ngày 23 - 26/1, 26 - 27/3…
Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, thực tế này mang tính cục bộ, nguyên nhân là do mật độ xe máy, ô tô tham gia giao thông cao thì ô nhiễm cao, nhất là đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Đậu… hoặc nơi nào có công trình xây dựng không được quản lý tốt thì cũng ô nhiễm cao, thậm chí vượt ngưỡng.
Cũng theo ông Võ Tuấn Nhân, thông tin ô nhiễm bụi ở Hà Nội cao đứng thứ 2 Đông Nam Á do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh đưa ra là chưa chính xác, không có cơ sở. Việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần đưa ra nhiều giải pháp, trong đó Bộ TN&MT và Thủ tướng Chính phủ đang quyết tâm, quyết liệt trong việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, hạn chế tối đa xả thải khí thải của xe cơ giới tham gia giao thông và yêu cầu ngành Xây dựng tăng cường kiểm tra các công trình xây dựng, che chắn giảm thiểu chất thải bụi...
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã được Thủ tướng giao làm đầu mối quản lý chất thải rắn thống nhất về quản lý Nhà nước. Sau khi có Quyết định của Thủ tướng, Bộ TN&MT đã thành lập tổ liên ngành và rà soát các Nghị định, Thông tư của các bộ, ngành liên quan để hạn chế sự chồng chéo. Bộ TN&MT cũng kiểm tra hiện trạng các bãi rác thải sinh hoạt trong cả nước.
“Bộ TN&MT sẽ cử 4 đoàn công tác đi kiểm tra để xử lý vấn đề rác thải rắn, để xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhất. Chủ tịch UBND các tỉnh thống nhất quản lý vấn đề này ở địa phương ”, ông Võ Tuấn Nhân cho biết.