Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, thời gian thực hiện từ nay đến hết năm 2017.
Hệ thống cửa ngăn nước của đập Cửa Lác bị sụt lún nên cần được gia cố. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Dự án tập trung gia cố, nâng cấp đập tràn với chiều dài khoảng 1.870 m bằng bê tông xi măng; gia cố nâng cao trình đỉnh trụ pin, đỉnh cửa van trung bình thêm 15cm để đảm bảo việc ngăn mặn, giữ ngọt.
Dự án được đầu tư nhằm khắc phục hậu quả lũ lụt và đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt cho 5.255 ha lúa 2 vụ của 9 xã nằm dọc theo sông Ô Lâu thuộc 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền và 7 xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, đường trên đập của dự án còn phục vụ giao thông đi lại của người người dân, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Như TTXVN đưa tin ngày 10/6, đập Cửa Lác (đoạn cuối nguồn sông Ô Lâu và phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế) được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2002 đã xuống cấp ở nhiều hạng mục từ mái đến thân đập, cao trình cũng như cửa cống ngăn mặn. Điều này làm nước mặn thẩm thấu, tràn qua đập khi triều cường, xâm nhập đồng ruộng.
Toàn hệ thống hiện có trên 300 m đập bị sụt lún, bộ cửa ngăn mặn cũng bị tràn vì cao trình thấp, chỉ còn lại +0,4 m (so với +0,6 m khi mới xây dựng)… Thời tiết hiện đang diễn biến ngày càng phức tạp, nếu không có biện pháp nâng cấp, sửa chữa kịp thời thì nguy cơ xâm nhập mặn sẽ khó tránh khỏi, ảnh hưởng đến hàng nghìn ha đất sản xuất của nông dân.
Nguyên nhân công trình xuống cấp là do điều kiện nền đất yếu, lại thêm thời gian sử dụng đã lâu nên không tính toán được tình trạng mực nước dâng như hiện nay.
Trong vụ sản xuất Hè Thu này, nhiều địa phương trong vùng đang gặp khó khăn do hạn, mặn xâm nhập. Riêng xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền chịu ảnh hưởng trực tiếp đến 150 ha/diện tích 720 ha lúa hè thu và 35 ha nuôi trồng thủy sản; nhất là vùng quy hoạch sinh thái Tràm Chim với diện tích 63 ha nằm gần cửa sông Ô Lâu; trong đó, có 10 ha lúa của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nước mặn xâm nhập và ruộng bị nhiễm mặn...