Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 420 hồ chứa thủy lợi đang quản lý khai thác; trong đó, có 5 công trình hồ chứa lớn có dung tích từ 3-10 triệu m3, 23 công trình có chiều cao đập từ 15 m trở lên, 12 hồ có dung tích từ 13 triệu m3; 270 hồ, đập có dung tích từ 50.000 đến dưới 1 triệu m3... Phần lớn các công trình thủy lợi được xây dựng cách đây 30 - 40 năm, đến nay đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm yêu cầu tưới và tiêu như thiết kế ban đầu.
Công trình hồ thủy lợi Phượng Mao mới được đầu tư, nâng cấp (thuộc 2 huyện Thanh Thủy và Thanh Sơn, Phú Thọ). Ảnh: baophutho |
Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên các công trình chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thiết bị lạc hậu, chắp vá. Đặc biệt hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có công trình hồ chứa nào được lắp đặt các thiết bị quan trắc và đo đạc các số liệu khí tượng thủy văn. Việc quan trắc mực nước hồ chứa hàng ngày và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chủ yếu bằng mắt thường. Điều này dẫn đến việc kiểm soát cũng như theo dõi mực nước tại các hồ chứa không chính xác.
Trong khi đó, điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi cực đoan, những trận mưa lũ vượt tần suất thiết kế xảy ra ngày càng nhiều, nguy cơ xảy ra các sự cố đối với công trình thủy lợi là rất lớn. Đó là chưa kể đến các hành vi vi phạm an toàn đê điều như làm nhà, làm bãi tập kết vật liệu xây dựng trên bờ đê, trồng cây ven bờ đập... Ngoài hệ thống hồ, đập, toàn tỉnh có 232 trạm bơm tưới, 15 trạm bơm tiêu, 13 trạm bơm tưới và tiêu nước kết hợp. Hệ thống ngòi tiêu được hình thành chủ yếu do tự nhiên, chỉ có một số ít kênh đào.
Hiện tại, một số trạm bơm bị hư hỏng ống hút, nhà trạm bị xuống cấp, hệ bơm bị sạt lở, hư hỏng một số đoạn kênh dẫn; một số kênh tiêu bị bồi lấp, hư hỏng ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát nước, nhất là trong mùa mưa lũ… Điển hình như hồ Cây Quýt tại huyện Hạ Hòa; Hồ Rôm, hồ Đát Dội huyện Cẩm Khê; đập Phân ngài huyện Lâm Thao… đang có biểu hiện thấm, nứt, sạt trượt mái bờ, hai vai đập và cửa nhận nước, lún đập, xói lở hạ lưu và các hiện tượng bất thường khác khiến, người dân sống gần khu vực hết sức lo lắng.
Ông Lâm Việt Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, trước nguy cơ mất an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ, toàn tỉnh đã bố trí đủ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp để kịp thời xử lý khi công trình hồ, đập có sự cố xảy ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh cũng đã đề xuất với tỉnh phân bổ kinh phí để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 3 công trình hồ, đập thiết yếu, cấp bách, có nguy cơ mất an toàn cao từ nguồn vốn duy tu công trình thủy lợi năm 2016; sửa chữa, duy tu 2 công trình hồ chứa từ quỹ Phòng chống thiên tai. Đồng thời đề xuất sửa chữa, nâng cấp 13 công trình hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp từ nguồn vốn dự án WB8 giai đoạn II.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động bố trí kinh phí sửa chữa, duy tu một số công trình hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp để bảo đảm an toàn công trình và nâng cao năng lực phục vụ. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ cũng đã phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ, áp dụng phương châm “4 tại chỗ” và phân công cụ thể từng tổ, nhóm như tổ thông tin cảnh giới, tổ vận hành xả lũ, tổ cứu hộ, cứu nạn, tổ xử lý sự cố, tổ chuyên chở vật tư vật liệu... kể cả lực lượng ứng cứu ngoài công ty (lực lượng ứng cứu địa phương) cùng nhau phối hợp sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố trong bão, lũ xảy ra.