Ngày 19/10, Ban văn hóa xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát về tình hình triển khai thực hiện đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn năm 2030” tại Bệnh viện Hùng Vương.
Bệnh viện Hùng Vương là một trong những bệnh viện đầu tiên triển khai quản lý bệnh viện bằng công nghệ thông tin. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện nhiều mô hình công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện như mô hình trí tuệ nhân tạo, bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đăng ký khám trực tuyến…
Đánh giá về kết quả thực hiện triển khai y tế thông minh tại bệnh viện, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, việc triển khai quản lý bệnh viện bằng công nghệ thông tin tại bệnh viện đến nay đã hơn 10 năm nhưng so với tốc độ phát triển, bệnh viện chưa phát triển một cách mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện nay, kế hoạch phát triển y tế thông minh tại bệnh viện giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra.
Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, muốn phát triển tốt các hệ thống y tế thông minh phải có đội ngũ con người vận hành. Tuy nhiên, bệnh viện khó tìm được đội ngũ công nghệ thông tin có năng lực cao vì lương nhân viên công nghệ thông tin trong bệnh viện thấp hơn rất nhiều so với bên ngoài.
“Tuyển dụng nguồn nhân lực giỏi còn rất khó khăn vì chưa có chế độ đãi ngộ, trong khi đó nguồn nhân lực cần thiết cho xây dựng, triển khai y tế thông minh lại càng hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù đăng tuyển quanh năm suốt tháng, thế nhưng bệnh viện vẫn không thể tuyển được”, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết nói.
Bên cạnh đó, bảo mật và tính riêng tư thông tin bệnh nhân, an toàn dữ liệu trong hồ sơ bệnh án điện tử là vấn đề quan trọng nhưng hiện nay, nhân sự chuyên trách về hạ tầng, thiết bị bảo mật an toàn thông tin tại các bệnh viện vẫn còn thiếu và hạn chế. Về trang thiết bị, khó khăn lớn nhất là việc tích hợp các hệ thống phần mềm và các thiết bị y tế cũ, khả năng tương thích giữa các thiết bị, các phần mềm khác nhau trong bệnh viện.
Một thách thức bệnh viện phải đối diện khi thực hiện chuyển đổi số đó là nguồn lực tài chính. Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, phần lớn các trang thiết bị, phần mềm được sử dụng đều có mức giá tương đối cao trong khi nguồn ngân sách hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Điều đó dẫn đến các đơn vị buộc phải đầu tư dàn trải, kéo dài và thiếu đồng bộ. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn về xây dựng, chuẩn hóa dữ liệu sao cho phù hợp quy định.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn thách thức Bệnh viện Hùng Vương nằm trong khó khăn về chuyển đổi số của ngành y tế. Thách thức thứ nhất là hạ tầng, cơ sở phần mềm công nghệ thông tin, hạ tầng quá cũ kỹ chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc kì vọng phát triển cúa y tế thông minh; các phần mềm công nghệ thông tin của các bệnh viện chưa có tiếng nói chung.
Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông được Thành phố giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm phân bổ hạ tầng công nghệ thông tin để lưu trữ dữ liệu hồ sơ sức khỏe tại trung tâm dữ liệu Thành phố. Đây là một nhiệm vụ rất lớn, không phải ngày một ngày hai sẽ thực hiện được.
Qua đó, ông Cao Thanh Bình lưu ý, trong quá trình phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông phải kịp thời có những dữ liệu thông tin ngay cho các bệnh viện về việc đầu tư công nghệ thông tin. Cụ thể, khi kết nối đồng bộ phải sử dụng phần mềm gì, như thế nào để tránh tình trạng bệnh viện đầu tư phần mềm dữ liệu xong thì mới có hướng dẫn, điều này rất lãng phí.