Theo báo cáo tình hình tiền lương năm 2021 của 60 tỉnh, thành phố tại 41.339 doanh nghiệp có báo cáo, tương ứng với 3,83 triệu lao động (chiếm 15,9% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) thì tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2020 (7,54 triệu đồng/tháng) và tăng 0,9% so với năm 2019 (7,77 triệu đồng/tháng).
Cụ thể, với loại hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì mức lương trung bình là 9,13 triệu đồng/tháng, bằng 100% so với năm 2020 (9,1 triệu đồng/tháng), giảm 2,2% so với năm 2019 (9,34 triệu đồng/tháng).
Doanh nghiệp dân doanh là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2020 (7,13 triệu đồng/tháng), tăng 3,4% so với năm 2019 (7,25 triệu đồng/tháng).
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,26 triệu đồng/tháng, tăng 2% so với năm 2020 (8,12 triệu đồng/tháng), và giảm 2,4% so với năm 2019 (8,46 triệu đồng/tháng).
Theo Bộ LĐTBXH, năm 2021, Bộ LĐTBXH đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; chỉ đạo thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Các địa phương cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ việc làm cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương...