Về vấn đề này, báo Tin tức thông tin như sau:
Trước khi chính thức ký hợp đồng lao động, các bên thường có thỏa thuận thử việc.
Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động và người sử dụng lao động được thỏa thuận về việc làm thử nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc.
Cùng với đó, thời gian thử việc tối đa cũng phải đảm bảo theo quy định:
- 180 ngày: Công việc của người quản lý doanh nghiệp.
- 60 ngày: Công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- 30 ngày: Công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- 6 ngày làm việc: Công việc khác.
Căn cứ Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019, sau khi kết thúc thời gian thử việc nói trên, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động biết.
- Thử việc đạt yêu cầu: Ký hợp đồng lao động nếu trước đó ký hợp đồng thử việc hoặc tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký nếu trước đó ký hợp động lao động để thử việc.
- Thử việc không đạt yêu cầu: Chấm dứt hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động có ghi nhận nội dung thử việc.
Pháp luật không quy định cụ thể về thời gian phải ký hợp đồng lao động sau khi hết thử việc. Tuy nhiên, nếu không ký hợp đồng lao động với người lao động sau khi hết thử việc, công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP với mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng: Không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử.
- Phạt tiền từ 1 triệu - 5 triệu đồng: Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Chính vì vậy, để không bị phạt vi phạm, sau khi kết thúc thử việc mà kết quả đạt thì công ty cần ký hợp đồng lao động luôn với người lao động.
Nếu để người lao động tiếp tục làm việc sau thời gian thử việc mà không ký hợp đồng lao động, công ty sẽ bị phạt. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp người sử dụng lao động cố tình chần chừ không chịu ký hợp đồng với người lao động.
Với việc không ký hợp đồng, người lao động có thể sẽ gặp phải rủi ro liên quan đến các quyền lợi về lương và bảo hiểm xã hội.
Chính vì vậy, khi hết thử việc mà công ty vẫn chưa ký hợp đồng, người lao động đề nghị phía công ty ký hợp đồng lao động.
Dù không ký hợp đồng lao động nhưng theo tinh thần của Án lệ số 20/2018/AL thì hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không có thoả thuận nào khác thì được coi là các bên đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động.
Do vậy, nếu không may bị công ty cho nghỉ việc trong thời gian tiếp tục làm mà không có hợp đồng lao động, người lao động cũng có thể đòi lại quyền lợi chính đáng bằng cách sau:
- Khiếu nại đến Chánh Thanh tra lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở.