Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược

Sáng 20/7, tại Hà Nội, 200 đại biểu đến từ các Bộ ngành, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tham gia thảo luận về các phương thức tiếp cận mới và động lực tăng trưởng mới trong phát triển ngành y dược tại “Hội thảo Y dược” do Báo Đầu tư tổ chức.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo.

Với chủ đề “Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược”, Hội thảo là diễn đàn để các bên liên quan trao đổi, tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của ngành, cũng như kết nối cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp. 

Chú thích ảnh
Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh khẳng định: Chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo là quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được chỉ ra tại Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, Nghị quyết xác định rõ nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững, nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường. Ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng; xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam xây dựng được nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Từ cách tiếp cận của Nghị quyết 29 và với những xu hướng đầu tư, công nghệ trên toàn cầu hiện nay, ngành y tế nói chung và sản xuất dược phẩm nói riêng, đang được đặt trước những cơ hội mới để huy động và khai thác những nguồn lực lớn trong và ngoài nước để kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, chuyển dịch nhanh sang nghiên cứu và triển khai tại Việt Nam, hiện đại hóa và phát triển bền vững, hoàn thành tốt sứ mệnh đặc biệt của ngành Y là chăm lo cho sức khỏe của nhân dân. 

Thu hút đầu tư vào ngành y dược không chỉ mang ý nghĩa về nguồn vốn để nâng cao năng lực, phát triển ngành Y mà còn có tác dụng tăng cường sự liên kết, lan tỏa như tinh thần Nghị quyết 29 mà các chuyên gia tại hội thảo này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Song thu hút đầu tư vào ngành này đang trở thành một cuộc đua nước rút trên cả quy mô khu vực và toàn cầu mà quốc gia nào cũng muốn giành được phần hơn. Chỉ nhìn vào con số hàng ngàn tỷ đô la Mỹ mà các công ty dược phẩm sinh học sẽ đầu tư cho riêng lĩnh vực nghiên cứu và triển khai trong giai đoạn 2020-2030 cũng có thể lý giải phần nào về cuộc đua này. 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự phát triển của ngành dược tập trung vào đổi mới sáng tạo và hàm lượng công nghệ cao sẽ có giá trị lan tỏa rộng khắp sang các ngành nghề khác và mang lại các lợi ích kinh tế và xã hội thông qua việc tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia. Theo báo cáo mới nhất của Công ty kiểm toán KPMG về “Đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam”, dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hằng năm lên đến 10% trong thời gian tới. Con số này bao gồm 350 triệu USD giá trị được tạo ra trực tiếp, cộng thêm 410 triệu USD đóng góp gián tiếp thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau, như chi tiêu cho nguyên liệu thô, hoạt động hậu cần, bán hàng và tiếp thị. Khoảng 400 triệu USD còn lại được ghi nhận thông qua các chi tiêu của người lao động trong ngành này.

Nghị quyết 29 đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể là đẩy nhanh thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ưu tiên đầu tư cho khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước; có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước tính trên GDP  cho nghiên cứu và phát triển, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, tiệm cận tỷ lệ bình quân chung của các nước OECD. Về nguồn lực bên ngoài, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút đầu tư trực tiếp từ các đối tác thuộc các nước phát triển.

Tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo ngành Y cần tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vaccine trong nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm, quản lý, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược…

Đó là những tiền đề thuận lợi mở ra cách tiếp cận mới cho ngành y dược phát triển nhanh và bền vững hơn trong tương lai.

“Tại hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ được nghe các chuyên gia từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, ý kiến chuyên môn của mình để làm rõ hơn những xu hướng lớn trên thế giới, những tiềm năng, lợi thế cũng như những ưu tiên mà Việt Nam nên đặt ra nhằm gia tăng cơ hội vượt lên trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực đang rất được quan tâm này; những vấn đề đặt ra trong việc bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách để theo kịp các xu hướng đầu tư lớn trên toàn cầu trong ngành y dược… Những ý kiến trao đổi, phân tích tại hội thảo hôm nay hy vọng sẽ mang đến giá trị tham khảo trong quá trình thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, định hướng từ Nghị quyết 29 trong ngành y dược, mang đến cơ hội tiếp cận tốt hơn cho người dân tới những loại thuốc tiên tiến, chất lượng cao với chi phí, giá thành thấp hơn, phù hợp khả năng chi trả của đông đảo mọi người”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã phân tích về thực trạng phát triển của ngành y dược, trao đổi những phương pháp tiếp cận mới và động lực mới trong phát triển ngành, cũng như bài học kinh nghiệm từ các nước. Đặc biệt, vai trò của Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghệ sinh học và ngành dược phẩm đã được các diễn giả phân tích.  

Ngành Y dược Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học ngành y đã tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ngành y tế đã tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới.

Trong hành trình phát triển ấy, sự đồng hành cộng đồng doanh nghiệp y dược trong và ngoài nước thông qua các dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ đã góp phần vào sự phát triển của ngành. 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành y tế vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách, như sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lấy nhiễm, quá tải bệnh viện, già hóa dân số, chất lượng dịch vụ y tế vẫn còn chênh lệch giữa các vùng, miền và các tuyến y tế…. Điều này đòi hỏi sự đổi mới, cũng như tăng cường hợp tác từ các bên liên quan để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.

Hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu & phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ,... Do đó, cần những cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm để thu hút tốt nguồn lực, công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chung của đất nước là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Trong giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành kim chỉ nam cho các ngành, trong đó có ngành y tế. Việc ban hành chương trình hành động với những nội dung được cụ thể hóa sẽ góp phần hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của ngành công nghệ sinh học và dược phẩm.

Theo các chuyên gia, để tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược, đồng thời tạo giá trị lan tỏa và động lực phát triển cho các ngành khác, chìa khóa để hiện thực hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29/NQ-TW cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ các ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn. 

PV
Trường đại học đầu tiên tổ chức kỳ thi riêng cho một số ngành Y Dược
Trường đại học đầu tiên tổ chức kỳ thi riêng cho một số ngành Y Dược

Trường Đại học Cửu Long (Vĩnh Long) vừa công bố đề án tuyển sinh. Điểm mới năm nay của trường là quyết định tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển hệ chính quy một số ngành Y Dược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN