Các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cần chủ động ứng phó với lũ quét, sạt lở, mưa dông lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Trực ban Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cần thường xuyên nắm bắt thông tin; chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, dông, lốc sét, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ đến các địa phương để chủ ứng phó; tuyên truyền, cảnh báo các loại hình thiên tai nên trên tại trang Facebook của Ban Chỉ đạo (có hơn 19.000 lượt tiếp cận).
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày 29/9, trên địa bàn các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình có mưa lớn làm 1.065 ha lúa, hoa màu và 313 ha cây thanh long bị ngập; 2.000m đường giao thông nội đồng và 15m kênh, mương bị sạt lở... Tổng thiệt hại ước tính là 5,36 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai giúp nhân dân khắc phục hậu quả, cùng nhân dân ra đồng khơi thông kênh tiêu và bơm tiêu thoát nước, chăm sóc cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại để sớm ổn định đời sống, sản xuất. Hiện nay, nước cơ bản rút nhanh, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cử đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn thống kê đánh giá thiệt hại và tình hình ngập úng cụ thể.
Tại tỉnh Nghệ An, đến 14 giờ ngày 30/9, các căn nhà của 50 hộ dân tại thị trấn Cầu Giát không còn bị ngập nước và người dân đã trở về nhà.
Trước đó, mưa lớn liên tục xảy ra khiến nhiều địa phương tại Nghệ An bị ngập úng, bị chia cắt bởi nước lũ, trong đó huyện Quỳnh Lưu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.