Tín dụng chính sách hỗ trợ xây hơn 4.000 căn nhà ở xã hội

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong năm 2019 đã hỗ trợ xây dựng hơn 4.000 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; xây dựng trên 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 15,6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Nhà ở của chị Nguyễn Thị Như ý ở phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ (Thừa Thiên - Huế) được xây dựng bằng nguồn vốn vay nhà ở xã hội, với số tiền 300 triệu đồng. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn này đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 266.000 lao động; trong đó, giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hơn 36.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Đến 31/12/2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 206.805 tỷ đồng, tăng 19.012 tỷ đồng (tương đương 10,1%) so với cuối năm 2018.  Dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 179.926 tỷ đồng, tăng 14.784 tỷ đồng (9%) so với cuối năm 2018, với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong tổng dư nợ, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 73,8%.

Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 216.361 tỷ đồng, tăng 17.585 tỷ đồng so với năm 2018. Đặc biệt, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 15.443 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,1% tổng nguồn vốn, tăng 3.634 tỷ đồng so với năm 2018, hoàn thành 162% kế hoạch giao tăng  năm 2019. Nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn quốc chiếm tỷ lệ 0,7% tổng dư nợ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng đã yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống bám sát chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng đó, chủ động khai thác, huy động các nguồn lực và tổ chức giải ngân vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các đối tượng thụ hưởng. Qua đó, góp phần hạn chế tín dụng đen; đảm bảo khả năng thanh toán, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội. 

Đồng thời, các đơn vị trong toàn hệ thống tiếp tục tập trung tham mưu các Ban, Bộ, ngành tại Trung ương và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt để Ngân hàng Chính sách Xã hội ngày càng chủ động về nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương mong muốn được đối thoại
Chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương mong muốn được đối thoại

Sau khi TTXVN và các cơ quan báo chí phản ánh những vi phạm trong việc ký hợp đồng mua bán nhà theo kết luận của Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên tại dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), chủ đầu tư là Công ty TNHH Bích Hợp đã có văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và mong muốn được đối thoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN