Cả nước thêm 15.936 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội vẫn nhiều ca nhiễm mới nhất
Tính từ 16 giờ ngày 2/1 đến 16 giờ ngày 3/1, Việt Nam ghi nhận 15.936 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, đến nay, Việt Nam đã có tổng số 24 ca nhiễm biến thể Omicron.
Trong số các ca nhiễm mới, có 20 ca nhập cảnh và 15.916 ca ghi nhận trong nước (giảm 998 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 11.017 ca trong cộng đồng).
5 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số mắc như sau: Hà Nội (2.100), Hải Phòng (1.749), Tây Ninh (919), Vĩnh Long (842), Cà Mau (821).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Vĩnh Long (giảm 4 ca), Hải Dương (giảm 3 ca), Đắk Lắk (giảm 185 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (tăng 278 ca), Cà Mau (tăng 202 ca), Bến Tre (tăng 147 ca).
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại: Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.778.976 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.773.170 ca, trong đó có 1.394.340 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 3/1, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 24.461 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.397.157 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.427 ca, trong đó có 19 ca đang chạy ECMO. Từ 17 giờ 30 ngày 2/1 đến 17 giờ 30 ngày 3/1, cả nước ghi nhận 190 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.021 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
10 quận, huyện ở Hà Nội dừng cho học sinh đến trường
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 2/1/2022 đến 18 giờ ngày 3/1/2022, Hà Nội ghi nhận 2.106 ca F0 trong đó có 366 ca tại cộng đồng; 1.454 tại khu cách ly; 286 ca tại khu phong tỏa.
Các ca nhiễm mới phân bố tại 367 xã phường thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 366 ca cộng đồng ghi nhận tại 146 xã phường thuộc 26/30 quận huyện.
Trong ngày 3/1/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi thông báo tới các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; các trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch COVID-19.
Theo thông báo số 865/TB-UBND của UBND thành phố Hà Nội, 10 đơn vị cấp quận có mức độ dịch cấp độ 3 từ tuần này gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì và Thanh Xuân. Những đơn vị này sẽ dừng cho học sinh đến trường.
Thông báo nêu cụ thể, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và thông báo đến các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến từ ngày
Các địa bàn xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho học sinh lớp 12 trở lại trường học trực tiếp. Đối với 18 huyện, thị xã, nếu có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho học sinh lớp 9 đến trường học trực tiếp.
Hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thông báo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về phương án tổ chức dạy học cụ thể, đồng thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
TP Hồ Chí Minh: Các trường sẵn sàng đón học sinh trở lại học trực tiếp
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, từ ngày 4/1, các cơ sở giáo dục trung học sẽ tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh thuộc các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12. Riêng xã đảo Thạnh An (Cần Giờ), các học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ đi học trực tiếp toàn bộ.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các trường THCS, THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngay khi UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định cho học sinh các khối lớp 7, 8, 10 và 11 đi học trực tiếp trở lại vào ngày 4/1, các trường đã lên kế hoạch như tổ chức vệ sinh trường lớp; bố trí lệch ca, lệch giờ; chuẩn bị trang thiết bị phòng dịch cũng như bố trí nhân sự...
Để đảm bảo công tác tổ chức dạy học trực tiếp, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND Thành phố hỗ trợ trang bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các trường; cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Nội vụ đề xuất cơ chế định biên vị trí việc làm đối với nhân viên y tế trường học.
Về kế hoạch hướng dẫn cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 học trực tiếp tại trường từ ngày 4/1, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ giáo dục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tổ chức dạy học trực tiếp phải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó, tổ chức thực hiện dạy học trực tiếp có thể bố trí lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, giờ chơi và giờ tan trường. Các trường phải chú ý việc bố trí, sắp xếp thời khóa biểu dạy học trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho cha mẹ học sinh đưa đón con khi đến trường học trực tiếp.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục được chủ động trong sắp xếp thời lượng dạy học trực tiếp nhưng tại cùng một thời điểm số lượng học sinh học tập trực tiếp không được vượt quá 50% tổng số lượng học sinh của đơn vị. Đối với trường có tổ chức dạy học cả ngày ở trường (thực hiện bán trú theo qui định an toàn phòng, chống dịch) không được tổ chức giờ học trên lớp vượt quá 8 tiết học trực tiếp/ngày.