Tối 28/8, lửa và khói đen bao trùm khu xưởng gần 6000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông trên phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sau hơn 6 tiếng tích cực chữa cháy, ngọn lửa mới được khống chế hoàn toàn.
Sau vụ cháy một ngày, chiều 29/8, UBND phường Hạ Đình phát hành thông báo hướng dẫn người dân xử lý môi trường, bảo đảm sức khỏe, an toàn. Theo nhiều chuyên gia, khuyến nghị của phường Hạ Đình là cần thiết, đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá việc khuyến cáo của UBND phường như vậy là kịp thời khi vụ cháy chắc chắn sẽ gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, rất bất ngờ và hiếm khi có tiền lệ, chỉ 24 giờ sau thông báo của UBND phường Hạ Đình, chiều 30/8, UBND quận Thanh Xuân đã ra văn bản thu hồi khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình với lý do “văn bản này được ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. Thay vào đó, quận thông báo đã lấy mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí, bụi, đất để phân tích, đánh giá chất lượng môi trường và đều cho kết quả bình thường. Đại diện quận Thanh Xuân cũng cho biết thêm, quận đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành kiểm tra không khí, nguồn nước trên địa bàn, khoảng 4 ngày tới sẽ có kết quả. Lúc đó, ô nhiễm hay không, ảnh hưởng tới người dân ra sao, quận sẽ có thông báo.
Văn bản đã được thu hồi, nhưng người lo sợ cứ lo sợ, người bán hàng vẫn tiếp tục công việc mưu sinh. Đáng chú ý, ngay ở chi tiết này đã bộc lộ một vấn đề trong quy trình xử lý khi sự cố lớn xảy ra - đó là thẩm quyền và cũng là trách nhiệm phát ngôn.
Cùng thời điểm này, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng ban hành thông cáo khẳng định, Công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam (một loại chất thường được sử dụng để hàn, có chứa dung dịch thủy ngân) thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016. Công ty cũng cho biết, các vật tư - nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đều an toàn với sức khỏe con người kể cả khi cháy. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chất amalga này vẫn có 50% thành phần thủy ngân và khi bị nung nóng, khí này vẫn thoát ra môi trường bên ngoài.
Trước những văn bản trái chiều của cấp cơ sở, ngày 31/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra thông báo khuyến cáo người dân với nội dung giống với nội dung văn bản của UBND phường Hạ Đình. Nhưng điều đáng nói là việc cần khẳng định có hay không tình trạng ô nhiễm từ chất nguy hại như thủy ngân, lưu huỳnh, thì chưa được đề cập.
Không chỉ đau đầu vì nhiều “thông báo”, người dân còn hoang mang hơn trước những tuyên bố mỗi nơi một kiểu của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học về hậu quả vụ cháy.
Một số chuyên gia trả lời báo chí, cho rằng amalgam là dạng hỗn hợp (hợp kim) của các kim loại tan trong thủy ngân, có khả năng hòa tan các kim loại khác rất mạnh. Việc dùng amalgam thay cho thủy ngân lỏng chỉ đỡ ảnh hưởng sức khỏe khi bóng đèn bị vỡ trong trạng thái nguội, còn khi đang sáng, hợp kim này nóng sẽ bay hơi thành bụi vào không khí và trở thành bụi kim loại nặng khi nguội đi. Mỗi bóng đèn chứa chừng 4mg thủy ngân, như vậy với số lượng bóng đèn đã cháy có thể có tối thiểu 16 kg thủy ngân cùng kim loại gì đó, đã rơi xuống hòa cùng bụi đường và sẽ bay lên sau khi khô.
Trong khi đó, theo các bác sĩ thuộc Khoa Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, ngay sau khi sự cố xảy ra Khoa đã cử cán bộ xuống thu thập thông tin, cũng như các hóa chất bị cháy để có khuyến cáo người dân. Cơ sở y tế đầu ngành này cũng đưa ra khuyến cáo với những người có nguy cơ cao, cần đi kiểm tra sức khỏe gồm: Những người trực tiếp tham gia trong thời điểm xảy ra đám cháy như công nhân nhà máy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhà báo tiếp xúc với đám cháy...; những người sống gần khu vực xảy ra cháy có biểu hiện như đau ngực, nôn, tiêu chảy hoặc các triệu chứng đáng kể khác.
Chiều muộn ngày 31/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông báo kết quả phân tích môi trường không khí 5 vị trí quanh khu vực xảy ra đám cháy, cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép. Chỉ có thông số SO2 tại vị trí điểm giáp cổng Công ty Bóng Động Lực, giáp khu dân cư ngõ 342 Khương Đình là 357 µg/m3, vượt 1,02 lần so với quy chuẩn; điểm trước cửa số nhà 81 ngõ 342 Khương Đình, giáp khu vực cháy là 352 µg/m3, vượt 1,0057 lần so với quy chuẩn.
Trong khi những cơ quan chức năng vẫn đang đi tìm “tiếng nói chung” để nhận định hậu quả vụ cháy, người dân trong khu vực đám cháy đang loay hoay, chưa thể ổn định đời sống, sinh hoạt của gia đình. Lo sợ trước những khuyến cáo về an toàn thực phẩm, nguồn nước, bầu không khí, một số hộ gia đình khu vực này đã phải di chuyển nơi ở để đảm bảo an toàn. Một số hộ khác cũng muốn di chuyển nhưng lại gặp phải điều kiện khó khăn về kinh tế, hoàn cảnh gia đình… Người dân trong khu vực mong muốn các cấp, các ngành sớm kết luận vụ việc để rồi giải quyết chế độ, chính sách cho người dân bị ô nhiễm.
Rất nhiều văn bản của các bên liên quan trong vụ cháy đã được đưa ra. Thông tin nhiều nhưng thiếu nhất quán trong phát ngôn, truyền tải thông tin, gây tâm lý bối rối cho người dân, chưa biết đâu mới là thông tin chính xác nhất.
Rõ ràng, cách thức hành xử, thông tin của các cơ quan chức năng qua sự việc này đang bộc lộ những kẽ hở trong công tác phối hợp xử lý sự cố. Một nội dung cần làm ngay sau đó là phải hoàn thiện quy trình, phương án xử lý sự cố khi xảy ra; thống nhất quy trình thông tin đến người dân. Đặc biệt là có kế hoạch, biện pháp ngăn ngừa, hạn chế để xảy ra các sự cố, nhất là trong thực tế, xưởng sản xuất còn kề sát nhà dân, xe chữa cháy không vào được các ngõ nhỏ như hiện nay.