Chia sẻ về chủ trương xây dựng 100 sân chơi cho thiếu nhi huyện ngoại thành, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà (ảnh) cho biết, đây là một hướng đi hứa hẹn tạo nên bước đột phá mới nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của thiếu nhi tất cả các xã trên địa bàn thành phố.
´Thưa chị, Thành đoàn Hà Nội có chủ trương gì về việc xây dựng sân chơi cho trẻ em tại Hà Nội?
Những năm qua, Thành đoàn muốn hướng việc quan tâm đầu tư sân chơi cho trẻ em tới các huyện ngoại thành. Sau thời điểm Thủ đô Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, nhằm nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi các huyện, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã có chủ trương toàn đoàn tập trung xây dựng các công trình thanh niên phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu nhi.
Từ chương trình trên, hàng ngàn công trình, phần việc thanh thiếu nhi được triển khai thực hiện, trong đó có xây dựng mới, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị sân chơi cho thiếu nhi tại các xã còn gặp nhiều khó khăn tại địa bàn các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội.
Sau gần 4 năm triển khai chương trình, hàng chục sân chơi thiếu nhi tại các xã thuộc các huyện ngoại thành được khởi công xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị mới, mang lại niềm vui cho thiếu nhi và nhân dân các địa phương. Dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các đơn vị thuộc khối công nhân viên chức đã hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng 10 sân chơi thiếu nhi tại các xã khó khăn…
Tuy nhiên, những kết quả này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu ngày càng cao của thanh thiếu nhi. Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới do Trung ương và thành phố triển khai, Thành đoàn Hà Nội đã đề ra phương hướng triển khai chương trình xây dựng sân chơi cho thiếu nhi, triển khai trong giai đoạn 2012 - 2017, với mục tiêu sẽ xây dựng 100 sân chơi cho trẻ em thành phố.
´Việc xây dựng những sân chơi này có điểm gì đặc biệt và làm thế nào để đảm bảo hoạt động được hiệu quả, thưa chị?
Thành đoàn Hà Nội đã đề ra phương hướng triển khai xây dựng sân chơi thiếu nhi trong giai đoạn 2012 - 2017 tại 19 huyện, thị xã. Trong đó, giai đoạn đầu ưu tiên tại 11 huyện khó khăn của thành phố Hà Nội là: Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất.
Khác với thời gian trước, khi việc xây dựng sân chơi là chủ trương đơn lẻ của từng đơn vị, cơ sở trực thuộc dẫn đến việc đầu tư còn dàn trải và mức đầu tư không đều, theo Đề án mới, chúng tôi sẽ chỉ đạo chung từ thành phố đến cơ sở, đầu tư dứt điểm sân chơi trên địa bàn 19 huyện, thị xã, hy vọng đến năm 2017 sẽ hoàn thành mục tiêu có 100 sân chơi cho thiếu nhi trên địa bàn tất cả các huyện, thị xã. Nguồn kinh phí hỗ trợ xây mới, tu sửa sân chơi được quyên góp từ các cơ sở Đoàn và các nguồn xã hội hóa do Thành đoàn huy động.
Có thể nói, đề án xây dựng sân chơi cho thiếu nhi các huyện ngoại thành của Thành đoàn là tín hiệu vui cho trẻ em và người dân. Qua chủ trương này, Đoàn Thanh niên thành phố muốn thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong việc chăm lo, giáo dục những mầm non tương lai.
Mức kinh phí Thành đoàn đầu tư xây dựng, tu sửa còn khiêm tốn, chỉ khoảng 40 đến 80 triệu đồng/sân chơi. Mức đầu tư như vậy không đảm bảo cho việc trang bị những thiết bị cần thiết phục vụ các em. Chính vì vậy tổ chức Đoàn Thanh niên thành phố mong muốn nhận được sự chung tay, góp sức của toàn xã hội trong việc xây dựng sân chơi cho thiếu nhi các huyện, thị xã ngoại thành. Hy vọng cùng với nỗ lực của tổ chức Đoàn, sự chung sức của toàn xã hội, trong tương lai không xa, vấn đề thiếu sân chơi, khu vui chơi giải trí cho trẻ em sẽ được giải quyết.
Xin cảm ơn chị!
Mạnh Minh