Bà Trần Tố Nga bên thềm lễ mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam tổ chức ngày 10/8, tại Hà Nội |
Xin bà cho biết diễn biến vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ mà bà vẫn đang theo đuổi?
Vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ vì những tác hại chất độc da cam với Việt Nam rất phức tạp. Đơn kiện của tôi về chất độc da cam ở Mỹ và vài nước khác đều bị bác. Theo quy định tại Mỹ, nếu ba lần bác bỏ thì không kiện nữa. Còn ở các nước khác như Hàn Quốc cũng đã thu lý vụ kiện nhưng chỉ có tác dụng giải quyết cho nạn nhân tại Hàn Quốc. Còn vụ kiện đang diễn ra ở Pháp là vụ kiện mang tính đa quốc gia, do chỉ có nước Pháp cho phép luật sư bảo vệ công dân của nước Pháp đối với một nước khác.
Theo luật của nước Pháp, công dân Pháp được quyền kiện công ty hóa chất Mỹ. Vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ mà tôi đang theo đuổi do 3 luật sư Pháp thực hiện và làm không lương. Các luật sư đã thu thập hồ sơ trong 7 năm trời để tháng 4/2015 mở phiên tòa đầu tiên. Trước đó, tháng 5/2014, các luật sư gửi đơn kiện tới 26 công ty hóa chất , trong đó có hai công ty hóa chất lớn của Mỹ là Monsanto và Dow-Chemical. Trước khi bắt đầu vụ kiện, luật sư có hỏi tôi đã sẵn sàng chưa vì vụ kiện này sẽ kéo dài và gian khổ.
Ở các vụ kiện trước đây của nạn nhân chất độc da cam, hai công ty này chưa bao giờ chấp nhận vai trò bị đơn. Thực tế, sau 6 tháng gửi đơn đã có 19 công ty trình diện tòa và mỗi công ty thuê 2 luật sư biện hộ. Đây là bước đi đầu tiên và cuộc đấu tranh pháp lý mới bắt đầu. Trong hơn 1 năm vừa rồi đã diễn ra 6 phiên tòa chỉ để giải quyết thủ tục.
Bà đã nhận đuợc sự ủng hộ của cộng đồng với vụ kiện này như thế nào?
Đằng sau tôi là hàng triệu nạn nhân da cam Việt Nam và các nước khác. Nếu tòa án thừa nhận tôi là nạn nhân chất độc da cam thì sẽ là tiền lệ để hàng triệu người nhiễm chất độc da cam đấu tranh, yêu cầu được bảo vệ quyền lợi.
Thời gian qua, tôi đã nhận được sự ủng hộ kinh phí một số tổ chức da cam như ở Sóc Trăng, Bắc Kạn… Tuy số tiền không nhiều nhưng là nguồn động viên lớn đối với tôi. Người dân tại Pháp và một số nước khác cũng ủng hộ tôi đấu tranh bảo vệ nạn nhân chất độc da cam.
Tại hội thảo quốc tế về chất độc da cam diễn ra tại Hà Nội vào ngày 8-9/8, trong kết luận Hội nghị có hẳn một câu ủng hộ vụ kiện da cam Trần Tố Nga.
Thực tế, có nhiều khó khăn do phía bị đơn đưa ra. Đơn cử, tôi bị nhiễm chất độc da cam vào giai đoạn 1966 - 1970. Khi đó, tôi là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng. Trong vụ kiện, phía bị đơn yêu cầu tôi phải có hợp đồng lao động với cơ quan, trong khi kháng chiến làm gì có hợp động lao động? Rồi phía bị đơn yêu cầu phải có bảng lương... Nếu không nộp 2 thủ tục này thì yêu cầu mỗi ngày đền bù 200 USD. Tuy nhiên, tòa án ở Pháp sau khi xem xét đã bác những yêu cầu phi lý này.
Ngay từ khi bắt đầu vụ kiện, tôi đã xác định có rất nhiều khó khăn, một vụ kiện quốc tế không chỉ một phiên là giải quyết được. Năm qua, tôi đã 3 lần mổ nhưng nếu còn sức lực, tôi vẫn vững bước để theo đuổi vụ kiện. Cuộc đấu tranh này còn dài và con cháu tôi vẫn tiếp tục theo vụ kiện này. Quan trọng là trong quá trình đấu tranh, tôi thấy mình không đơn độc và nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ về hậu quả của chất độc da cam đối với nhiều người dân Việt Nam.
Được biết bà đã ra cuốn sách viết về da cam bằng tiếng Pháp. Vậy cuốn sách này sắp có phiên bản tiếng Việt chưa, thưa bà?
Tôi mới ra sách Cuốn sách "Ma terre empoisonnée" (tạm dịch "Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi") vừa được Nhà xuất bản Stock phát hành đầu năm 2016 và được đông đảo độc giả quốc tế đón nhận.
Cuốn sách 300 trang, kể về cuộc đời tôi, một nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, khoảng thời gian từ năm 1966 -1970, tôi sống và làm việc trong những vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam. Đồng thời, cuốn sách cũng ghi lại hành trình kiện công ty hóa chất của Mỹ.
Hiện tôi đang viết bản tiếng Việt và sẽ xuất bản sớm. Cuốn sách đang truyền cảm hứng cho hàng triệu nạn nhân da cam.
Xin cám ơn bà!