Ngay sau khi UBND TP mở chiến dịch truy quét tệ nạn xã hội (từ ngày 5 đến nay), đã có gần 800 người nghiện ma túy không nơi cư trú được đưa vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Hiện, những người nghiện tại các cơ sở đã được sàng lọc, ổn định tâm lí để bắt đầu thực hiện việc cắt cơn, giải độc.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, bắt đầu từ sáng ngày 5/12, toàn bộ 24/24 quận huyện và 322 phường, xã, thị trấn đồng loạt ra quân, truy quét và đưa người nghiện ma túy, không có nơi ở ổn định vào các cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn nghiện, giải độc, tư vấn tâm lý…trong thời gian chờ Tòa án nhân dân các cấp ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc.Theo đó, từ nay tới ngày 8/2/2015, các UBND các quận vẫn triển khai việc đưa người nghiện vào các cơ sở xã hội để được cắt cơn giải độc theo quy trình nhất định.
Những quận huyện được coi là điểm “nóng” tập trung nhiều người nghiện lang thang tại TP là: Quận 8, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh…Chỉ có quận 3 và huyện Cần Giờ chưa phát hiện người nghiện ma túy lang thang nào.
Hiện, cơ sở xã hội Bình Triệu (quận Bình Thạnh) và Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) được Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP ( LĐ TB&XH) chọn để đưa người nghiện vào cắt cơn, giải độc khi UBND TP mở chiến dịch truy quét tệ nạn xã hội. Tính đến nay, hai cơ sở này đã tiếp nhận gần 800 đối tượng nghiện ma túy từ các quận huyện đưa tới.
Người nghiện lang thang vào các trung tâm cai nghiện sẽ được kiểm tra, sàng lọc sức khỏe để bắt đầu quy trình cắt cơn, giải độc. |
Ông Lê Bá Hoàng, Giám đốc Cơ sở Xã Hội Bình Triệu cho biết, tính đến nay trung tâm đã tiếp nhận hơn 205 người nghiện lang thang không nơi cư trú từ 10 quận, huyện đưa về gồm Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Cần Giờ, Nhà Bè, quận 1, 2, 4, 7, 9. Thống kê mấy ngày đầu, quận bàn giao học viên nhiều nhất là Gò Vấp, không bàn giao học viên nào là Cần Giờ. Nhìn chung, các đơn vị đều hoàn thành hồ sơ theo đúng quy định của thành phố.
“Sau khi hoàn thành các thủ tục bàn giao học viên, cơ sở sẽ tiếp nhận và đưa học viên vào phòng y tế cắt cơn, theo dõi triệu chứng lâm sàng, cho uống thuốc điều trị nghiện và các bệnh liên quan đến nghiện ma túy. Trong khoảng 5 ngày để chờ xác định tình trạng nghiện cũng là thời gian cơ quan công an xác minh nơi cư trú của học viên.”- Ông Hoàng cho biết thêm.
Bên cạnh cơ sở Bình Triệu, cơ sở xã hội Nhị Xuân (Hóc Môn) trực thuộc Lực Lượng Thanh niên xung Phong TP là nơi thứ hai tiếp nhận người nghiện từ 14 quận, huyện còn lại của Thành phố đưa về.
Một đại diện Lực lượng thanh niên xung phong TP cho biết: Cơ sở chúng tôi có sức chứa khoảng 1.500 người. Tại đây, có những khu riêng biệt dành cho nam và nữ, khu vui chơi là khoảng sân nằm giữa các dãy nhà. Tất cả các cơ sở vật chất đều trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận người nghiện. Tính đến nay, cơ sở đã tiếp nhận gần 600 người từ 14 quận huyện đưa về. Tâm lý, sức khỏe người nghiện đang dần đi vào ổn định. Ngoài ra, cơ sở sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo triển khai thí điểm dùng thuốc Cedemex hỗ trợ cắt cơn, giải độc, điều trịcho người nghiện để rút kinh nghiệm.
Theo ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện tại hai cơ sở này đủ sức tiếp nhận hơn 2.000 người nghiện chờ làm thủ tục theo quy định. Nếu các cơ sở này quá tải, UBND TP đã có kế hoạch sử dụng các cơ sở xã hội dự phòng khác. Tại các cơ sở người nghiện sẽ được thực hiện các bước cắt cơn, giải độc. Song song đó, các cơ quan như công an, y tế, lao động thương binh xã hội, tư pháp sẽ hoàn thành hồ sơ gửi tòa án. Tòa sẽ tiến hành xét xử ngay tại các trung tâm, sau đó sẽ có quyết định đưa người nghiện đi cai bắt buộc 24 tháng.
Theo kế hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh, việc truy quét tệ nạn xã hội để đưa người nghiện không nơi cư trú đi điều trị bắt buộc sẽ kéo dài nhiều ngày. Dự kiến đến ngày 20/12, toàn thành phố cơ bản sẽ vắng bóng người nghiện ma túy.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết