Trong đó, có hơn 16.600 trường hợp đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được chi hỗ trợ theo Quyết định 2606 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với số tiền hơn 12,5 tỷ đồng; hơn 13.600 trường hợp được chi hỗ trợ theo phương án 3 của Liên đoàn Lao động thành phố với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Các cấp Công đoàn thành phố cũng đã chi hỗ trợ theo Công văn 492/LĐLĐ của Liên đoàn Lao động thành phố cho 78 cán bộ chuyên trách Công đoàn bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với kinh phí 46,5 triệu đồng; hỗ trợ 60 trường hợp con của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với kinh phí 18,2 triệu đồng.
Ngoài ra, toàn thành phố có hơn 280.200 đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ gần 450 tỷ đồng theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố, cùng với các hoạt động chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn còn tổ chức đa dạng các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động tại các khu phong tỏa, cách ly; người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các khu nhà trọ, tạm ngừng việc không hưởng lương gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và lực lượng phòng, chống dịch COVID-19.
Điển hình là chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu; tổ chức đi chợ cho người lao động tại khu cách ly trên địa bàn dân cư và doanh nghiệp”; “Siêu thị 0 đồng”; “Bếp ăn yêu thương”; “Công đoàn đồng hành cùng đoàn viên Công đoàn, người lao động tham gia tuyến đấu chống dịch”; "Tủ thuốc yêu thương"; “Vì sức khỏe đoàn viên Công đoàn"… Các cấp Công đoàn còn thực hiện chương trình kết nối hỗ trợ nông dân thành phố tiêu thụ nông sản; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ người lao động; tiếp nhận vận chuyển hàng hóa, nông sản, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu từ các tỉnh, thành phố hỗ trợ các khu phong tỏa, cách ly, công nhân ngoại tỉnh ở các khu nhà trọ; tổ chức chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, chăm lo cho con của đoàn viên Công đoàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, dịch bệnh càng kéo dài khiến cho đời sống của người lao động ngày càng gặp nhiều khó khăn. Việc chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bằng các giải pháp trên bước đầu tạm ổn, tuy nhiên cũng rất cần có những biện pháp hỗ trợ lâu dài, nhất là người lao động mất việc làm, người lao động ngoài tỉnh ở trọ...
Cũng theo ông Lâm, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều người lao động ngoài tỉnh mất việc làm đã được các cấp Công đoàn chú trọng chăm lo; đồng thời vận động công nhân lao động ngoài tỉnh ở lại trên tinh thần “ai ở đâu thì ở yên nơi đó”. Tuy nhiên, do không còn khả năng xoay sở nên nhiều người lao động có nguyện vọng về quê. Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn cũng kiến nghị, chính quyền thành phố và các tỉnh cần tổ chức phương tiện đưa đón (khi đảm bảo được công tác phòng chống dịch), tránh để người lao động tự di chuyển bằng các phương tiện cá nhân vừa không đảm bảo an toàn, vừa khó kiểm soát được tình hình dịch bệnh.