Cây ngã đổ trên đường Đồng Khởi (quận 1) trong cơn mưa lớn chiều tối nay. Ảnh: CTV |
Khi mưa lớn kéo dài khoảng 30 phút, một số tuyến đường ở địa bàn trũng thấp như Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu (quận 7), Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) đã bị ngập nặng. Mưa lớn xảy ra vào giờ tan tầm ngày thứ 7 nên hàng loạt người lưu thông gặp khó khăn dưới cơn mưa tầm tã, nhiều xe chết máy phải đẩy bộ qua nước ngập. Nhiều nhà dân có cốt nền thấp cũng bị nước ngập tràn vào.
Đặc biệt, trên đường Nguyễn Xí (đoạn Đinh Bộ Lĩnh - chân Cầu Đỏ, quận Bình Thạnh) nước ngập dâng cao, kéo dài khoảng hơn 500m, một số điểm nước dâng cao gần ngập cả bánh xe khiến hàng loạt xe bị chết máy, người dân phải vật vã đẩy bộ tìm nơi sửa. Tương tự, đường Đinh Bộ Lĩnh đoạn trước Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), các phương tiện nối hàng dài nhích từng chút một do mưa lớn.
Trên địa bàn quận Thủ Đức, đoạn giao nhau giữa đường Tô Ngọc Vân và đường sắt Bắc Nam bị ngập sâu, các phương tiện phải di chuyển rất chậm trong nước ngập. Trong khi đó, tuyến đường Võ Văn Ngân (đoạn từ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đến vòng xoay ngã 5 chợ Thủ Đức), nước mưa chảy xiết khiến các phương tiện bì bõm lội trong nước và di chuyển rất khó khăn. Trrên đường Phạm Văn Đồng đoạn qua phường Linh Đông (quận Thủ Đức), một số đoạn nước ngập cục bộ, nhiều người phải chạy xe máy vào làn ô tô để tránh ngập.
Xa lộ Hà Nội đoạn từ chân cầu Rạch Chiếc đến chân cầu Sài Gòn bị ngập sâu, nhiều đoạn ngập cao trên bánh xe máy khiến giao thông bị ùn ứ, nhiều xe bị chết máy vì ngập nước nằm dọc hai bên đường. Đoạn đường này luôn là nơi bị ngập sâu do nằm ở khu vực trũng thấp, trở thành nỗi ám ảnh của các phương tiện khi lưu thông qua đây.
Đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cũng bị ngập nặng, rất nhiều xe tải, ô tô, xe máy chen lấn ở các làn nên gây ùn ứ kéo dài, người dân dùng vật dụng cảnh báo để tránh hố sâu. Nhà dân hai bên đường thường bị nước ngập tràn vào nhà cũng đã chuẩn bị sẵn sàng bạt, bao cát để chặn trước cửa, ngăn không cho nước vào nhà.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm đến chân cầu Sài Gòn), nước ngập cao kéo dài, một số đoạn ngập hơn nửa bánh xe máy. Tuyến đường này vốn được xem là “rốn ngập” của Thành phố Hồ Chí Minh, thường xuyên xảy ra ngập khi có mưa lớn hoặc triều cường. Để giải quyết vấn đề ngập trên tuyến đường này, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp cơ khí Quang Trung đã đầu tư lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn chống ngập và đang được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xem xét phương án đưa vào sử dụng.
Các tuyến đường Trương Vĩnh Ký, Mã Lò, Tân Kỳ Tân Quý, Lê Văn Quới (quận Tân Phú), Phan Văn Trị, Lê Văn Lương, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) cũng bị ngập sâu trong khi lượng xe lưu thông rất đông khiến dòng phương tiện bị ùn ứ kéo dài. Mưa lớn cũng khiến cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố như tuyến đường Trường Chinh, Cộng Hòa kẹt nặng, hàng ngàn phương tiện xếp hàng dài trên đường, di chuyển rất khó khăn.
Theo đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh và số liệu định vị dông sét cho thấy mây đối lưu phát triển và gây mưa ở nhiều địa phương khu vực Nam bộ. Nguyên nhân gây mưa lớn kèm dông, sét trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là do Nam bộ đang bị ảnh hưởng bởi gió mùa Tây Nam, ngoài ra còn chịu tác động kết hợp của hội tụ gió và quá trình di chuyển của áp cao cận nhiệt đới, đẩy ẩm từ ngoài biển vào đất liền, tạo nên sự bất ổn định trong khí quyển.
Bên cạnh đó, tháng 9, tháng 10 là thời điểm mưa to nhất trong năm nên xuất hiện sấm sét kèm mưa lớn là hiện tượng bình thường.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cũng khuyến cáo, trong những cơn mưa kèm theo gió lốc, giông sét, người dân khi lưu thông trên đường cần cẩn thận, tránh những khu vực có cây cổ thụ dễ bị ngã, đổ cành nhánh.