Theo đó, về giải pháp chung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, UBND thành phố yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn; chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Về giải pháp thủy lợi, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước; tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán để đảm bảo đủ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống cháy rừng.
Về giải pháp trồng trọt, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ hướng dẫn người dân thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, ưu tiên sử dụng giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, hiệu quả kinh tế cao; tập trung xuống giống đồng loạt, đúng thời vụ, tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Cùng với đó, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với loại cây trồng tại vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao.
Đối với giải pháp về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp và Môi trường TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị hữu quan sẽ phối hợp thông tin rộng rãi, kịp thời về tình hình thời tiết, mức độ xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản áp dụng mô hình nuôi phù hợp, chủ động chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, thả giống mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức và người dân các giải pháp cải tạo tốt ao nuôi, xây dựng chuồng trại phù hợp với tình hình thực tế; từng bước áp dụng kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn sinh học; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp công nghệ mới để đánh giá chọn lọc, nhân giống các vật nuôi có nguồn gen tốt, có khả năng thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Đối với giải pháp về lâm nghiệp, ngành Lâm nghiệp được yêu cầu rà soát lại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cây phân tán cao với quy mô đám cháy lớn để xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy theo diễn biến tình hình thời tiết và thực tiễn khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy lớn; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, tuần tra các khu rừng trong phạm vi quản lý, chủ động chuẩn bị các loại phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ máy bơm cấp nước phòng, chống hạn, cháy rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng.
Trong khi đó, tại các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Tiền Giang..., hiện nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, chính quyền và người dân miền Tây đang chủ động ứng phó.
Tại tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính qua địa bàn tỉnh hiện ở mức cao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021. Độ mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập cách các cửa sông Mekong hơn 45-61 km. Theo dự báo, nước mặn sẽ còn xâm nhập sâu hơn so với cùng kỳ năm ngoái trên sông Cửa Đại, Cổ Chiên và Hàm Luông. Mức độ rủi ro do thiên tai xâm nhập mặn đang tăng lên cấp độ 2.
Nhằm chủ động ứng phó hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã triển khai sớm các biện pháp phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn, phối hợp vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân sinh hoạt, sản xuất. UBND tỉnh Bến Tre cũng đang gấp rút tuyên truyền, vận động nhân dân đắp bờ bao cục bộ, đập tạm; trữ nước mưa, nước ngọt trong các hồ, lu, bồn chứa… nhằm đảm bảo đủ nước uống, sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thi công các cống đập ngăn mặn đã được chính quyền tỉnh Bến Tre triển khai khẩn cấp, nhất là các cống liên vùng để phục vụ cung cấp nước cho cả khu vực, đảm bảo tỉnh sẽ không thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Ngay cả trong đợt dịch COVID-19 vừa qua tỉnh cũng chủ động cho các công trình này được triển khai; đã hoàn thành được một số cống có thể đảm bảo không bị xâm nhập mặn.
Tại tỉnh Tiền Giang, tình hình hạn mặn năm nay trên sông Tiền đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm nhưng muộn hơn so với mùa khô 2020-2021. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh đã cho đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Hiện công trình đã hoàn thành, đáp ứng được việc ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ nước sản xuất cho khoảng 100.000 ha khu vực phía Tây và khu dự án kè sông Bảo Định. Tại khu vực phía đông tỉnh Tiền Giang, các địa phương đã chủ động cắt vụ lúa Thu Đông để tránh mặn.
Theo Thạc sỹ Trần Minh Tuấn (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), diễn biến mặn xâm nhập mùa khô năm 2021-2022 tuy thấp hơn nhiều so với mùa khô năm 2015-2016 (4-23 km), năm 2019-2020 (5-45 km) và một số thời điểm tương đương nhưng vẫn có thể diễn biến bất thường, nguy hiểm ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện. Dự báo mặn xâm nhập toàn vùng sâu nhất trong tháng Ba trên các sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Hậu, sông Cổ Chiên và hệ thống sông Vàm Cỏ.
Để góp phần giảm thiểu các thiệt hại do hạn mặn gây ra, ông Trần Minh Tuấn khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, nhất là vùng cách biển đến 35-40 km. Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2022 xong, bà con nông dân chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc chờ mưa diện rộng mới xuống giống vụ Hè Thu tiếp theo.