Theo kết quả xác minh ban đầu, sáng 4/9/2024, Công an Quận 12 tiếp nhận tin báo của anh T.D.K (SN 2000, thường trú tỉnh Cà Mau) về sự việc “hành hạ người khác” xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng. Theo đó, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an Quận 12 và Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị, ban ngành liên quan khẩn trương xác minh vụ việc.
Công an Quận 12 đã phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Quận 12, UBND phường Trung Mỹ Tây tiến hành kiểm tra trực tiếp tại cơ sở. Kết quả tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở này đang nuôi dưỡng 86 trẻ em, vượt quá số lượng được cấp phép 47 trẻ. Tiếp đó, Công an Quận 12 phối hợp Phòng LĐTB&XH Quận 12 tham mưu đề xuất Sở LĐTB&XH Thành phố bố trí đưa 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình (TP Thủ Đức), 36 trẻ vào Làng thiếu niên Thủ Đức (TP Thủ Đức), 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp, 2 trẻ được gia đình tiếp nhận và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện.
Công an Quận 12 đã mời chủ cơ sở và tất cả các nhân viên đang làm việc tại cơ sở về trụ sở cơ quan Công an để làm việc; đồng thời thu giữ một số tài liệu, vật chứng có liên quan.
Qua dữ liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 xác định 5 nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 2 trường hợp có mặt tại cơ sở, gồm Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và T.M.N (SN 1953, thường trú tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau); 3 trường hợp không có mặt gồm: N.T.Q (SN 1983, thường trú tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Đ.T.K.L (SN 1978, thường trú tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) và D.N.T (SN 1977, thường trú tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).
"Sau khi làm việc, Nguyễn Thị Ngọc Cẩm thừa nhận trong quá trình chăm sóc các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng, Cẩm nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ để làm các cháu sợ, không quấy phá", đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân quận tiến hành thực nghiệm hiện trường. Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, hành vi của Nguyễn Thị Ngọc Cẩm đủ yếu tố cấu thành tội “Hành hạ người khác” nên đã ra quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Thị Ngọc Cẩm để phục vụ điều tra. Đồng thời, các tổ công tác của Công an Quận 12 và Phòng Cảnh sát hình sự cũng đã nhanh chóng phối hợp Công an các tỉnh, đưa 3 đối tượng còn lại về trụ sở để làm việc. Hiện nay, Công an Quận 12 đang khẩn trương củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng.
Chiều cùng ngày, đại diện UBND Quận 12 cho biết đã ra quyết định đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng; đồng thời chỉ đạo Công an quận làm việc, lấy lời khai chủ cơ sở và các bảo mẫu, nhân viên có liên quan, củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Sắp tới, UBND quận tiếp tục chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng.
*Cũng trong chiều 5/9, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn đến thăm các trẻ bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng được đưa về Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, Làng thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình chăm sóc.
Theo ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình, ngay sau khi tiếp nhận trẻ, trung tâm đã tiến hành thăm khám, kiểm tra sức khỏe; đồng thời cách ly các cháu tạm thời 21 ngày để phòng, chống dịch bệnh sởi đang bùng phát theo quy định của ngành Y tế Thành phố. Tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình, trẻ được phân thành 2 nhóm tuổi, nhỏ nhất là 8 tháng với chế độ chăm sóc đặc biệt và nhóm lớn nhất là 4 tuổi, được bố trí 3 cô giáo cùng 2 bảo mẫu/ca trực chăm sóc.
Về cơ bản, các cháu đều ổn định về sức khỏe; vui chơi, ăn uống đủ đầy. Tuy nhiên, tinh thần có phần lo lắng do di chuyển đến nơi ở mới nên nhiều cháu chưa ngủ trọn giấc trong đêm đầu tiên. Hiện, các cháu đã dần dần quen với môi trường mới, ông Đinh Hữu Tuyến chia sẻ.
Trước mắt, Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình tập trung chăm sóc sức khỏe cho trẻ; động viên các cháu tham gia vui chơi, giải trí tại cơ sở. Ngay sau khi kết thúc đợt cách ly, trung tâm sẽ phân trẻ theo độ tuổi, nhóm lớp để thuận tiện chăm sóc, giúp trẻ phát triển thể chất, tinh thần theo đúng độ tuổi.
Tiếp nhận thêm các trẻ, các cô giáo, bảo mẫu xác định sẽ thêm công việc, vất vả hơn. Tuy nhiên, từ thực tiễn và nhìn vào hoàn cảnh các trẻ, nhiều cô không cầm được nước mắt, dành tình cảm yêu thương các trẻ nhiều hơn.
Gắn bó với nghề hơn 13 năm, cô giáo Lê Thị Tuyết Trinh, Trưởng khoa Nhi đồng, Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình đã tìm nhiều giải pháp tốt nhất cho trẻ hòa mình vào môi trường mới. Đón nhận các trẻ, trung tâm đã bố trí bảo mẫu có nhiều năm kinh nghiệm, yêu thương trẻ, biết cách tiếp xúc, hòa nhập với trẻ để hướng các em từng bước vào nề nếp, ổn định.
Hy vọng các trẻ sẽ nhanh chóng quen, các cô sẽ cố gắng hết mình để giúp trẻ có cuộc sống ổn định, lành mạnh, tạo cơ hội cho trẻ được phát triển tốt nhất cả về thể chất, lẫn tinh thần, cô Trinh chia sẻ.
Đến thăm các trẻ trong dịp này, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc chủ động đưa 86 trẻ về nơi ở mới là giải pháp tốt nhất để chăm sóc các em đảm bảo quy định của Nhà nước. Trước mắt, Sở sẽ huy động nguồn lực về con người, cơ sở vật chất để đảm bảo công tác chăm sóc, giáo dục trẻ được tốt nhất. Thành phố luôn bố trí dự phòng ngân sách để xử lý các tình huống phát sinh trong công tác bảo trợ xã hội, đây là tình huống khẩn cấp nên chúng tôi sẽ vận hành cơ chế đó để chăm lo cho các cháu được tốt nhất và theo đúng quy định pháp luật.
Theo ông Thinh, công tác thẩm định, kiểm tra trước khi cấp phép đối với các cơ cở chăm sóc trẻ em là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Các địa phương trước khi cấp phép cần đối chiếu các quy định, kiểm tra đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, bảo mẫu đủ số lượng, yêu cầu về chuyên môn.
Trong ngày 5/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đã thành lập 3 tổ công tác để tiến hành rà soát 63 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được cấp phép; kiểm tra 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập để từ đó chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm. Riêng các cơ sở đang xin giấy phép, Sở yêu cầu các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiến hành thẩm tra, thẩm định đảm bảo điều kiện trước và sau khi cấp phép phải kiểm tra giám sát thường xuyên để phòng, tránh những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra trong tương lai.