TP.HCM giảm tối đa việc chặt hạ cây xanh

Mỗi năm TP Hồ Chí Minh trồng hàng nghìn cây xanh. Dự kiến trong năm 2015, thành phố sẽ trồng thêm 7.000 cây để tăng cường mảng xanh cho thành phố.

Rừng cây xà cừ gần trăm năm tuổi trên đường Hoàng Minh Giám (Công viên Gia Định) - niềm tự hào của thành phố.


Mỗi năm trồng hàng nghìn cây


Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho biết, trong nhiều năm qua, mỗi năm thành phố đã trồng thêm hàng nghìn cây xanh. Chỉ tính riêng trong năm 2014, thành phố đã trồng 12.448 cây. Trong đó có khoảng  6.400 cây là những cây xanh trồng phủ đất dự trữ và hơn 6.000 cây là cây xanh bóng mát trồng trên các tuyến đường mới như Phạm Văn Đồng và các tuyến như đường Hòa Bình, quận 10, đường Âu Cơ, quận Tân Bình, Tân Phú… Đa phần các loại cây trồng trên các tuyến đường đều là những cây quý, đẹp, phù hợp với môi trường cây xanh đô thị như giáng hương, bằng lăng, bò cạp nước, lộc vừng…

Ngoài việc trồng mới cây xanh, Sở GTVT còn giao cho các khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn quản lý 262,27 ha công viên, mảng xanh và 122.490 cây xanh các loại trên địa bàn. Các đơn vị này có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống công viên cây xanh để bảo đảm mỹ quan đô thị và an toàn cho sinh hoạt cộng đồng; đồng thời kiểm tra, đánh giá, thống kê và cập nhật đầy đủ các số liệu để làm cơ sở cho công tác quản lý cũng như bảo dưỡng định kỳ hàng năm theo quy định.

Thành phố cũng xác định, việc chặt bỏ cây xanh, nhất là những cây lâu năm chỉ là việc bắt buộc ngoài ý muốn và luôn cố gắng để giảm đến mức thấp nhất việc chặt hạ cây xanh. Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, trong dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm, tổng số cây xanh bị ảnh hưởng của dự án là 272 cây. Tuy nhiên, thành phố đã di dời 37 cây và giữ lại 151 cây sau khi được chỉnh trang. 84 cây bị đốn hạ là những cây nằm dọc theo chiều dài của cầu và nằm gần khu vực trụ cầu. Đây là những cây có đường kính thân từ 80 cm trở lên, nên nếu bứng để dưỡng và trồng lại, đòi hỏi chi phí rất lớn nhưng khả năng sống rất thấp.

Tạo thêm mảng xanh


Trong tâm thức người dân Sài Gòn, thành phố này từng là “thành phố giữa rừng”, được in dấu trong từng địa danh như Gò Vấp (cây Vắp), Củ Chi (cây Củ Chi), Hóc Môn, chợ cây Quéo, chợ cây Thị, chợ cây Da Sà, chợ cây Gõ…. Đường Hàng Bàng (Xô Viết Nghệ Tĩnh), Hàng Sao (Mạc Đĩnh Chi), Hàng Sanh (Bạch Đằng),  cầu Sơn (cây Sơn)…

Theo TS Phạm Sanh, từ những năm 1865, người Pháp cũng đã xây dựng vườn Bách Thảo (hiện nay là Thảo Cầm Viên, nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 thế giới) nhằm nuôi trồng các loài động thực vật của toàn Đông Dương; vừa để trưng bày, vừa để cung cấp cây giống trồng dọc theo các trục lộ ở Sài Gòn. Sau giải phóng, có khoảng trên 1.000 ha đất công viên, đến năm 2010 còn khoảng 600 ha. Hiện tại, diện tích đất công viên cây xanh của thành phố ở mức 1 m2/người, quá thấp so với quy chuẩn của một đô thị cấp đặc biệt (từ 7 - 9 m2/người) và cực kỳ thấp so với các đô thị trên thế giới như Berlin - Đức (50 m²/người), Paris - Pháp (25 m²/người), Moskva- Nga (44 m²/người)...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như việc phát triển đô thị quá nhanh thiếu kiểm soát trong thời kỳ “tấc đất tấc vàng”; quy hoạch công viên cây xanh thành phố chậm và không khả thi. Các nhà đầu tư vì lợi nhuận đã chuyển đổi công năng đất công viên cây xanh thành đất kinh doanh thương mại…Thành phố cũng chưa mạnh dạn nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới trong quản lý chăm sóc cây xanh và thiếu một chiến lược phát triển cây xanh đô thị bền vững…

Để tạo thêm mảng xanh cho thành phố vốn đang ngày một thêm đông đúc và nhiều khói bụi, theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, thành phố cần học tập kinh nghiệm của Singapore, đó là tận dụng từng khoảng đất trống để phát triển mảng xanh. Những góc phố nhỏ, những mảnh đất bé xíu ở cuối đường… tất cả đều có thể biến thành mảng xanh nếu cây xanh được trồng và chăm sóc đầy đủ. Các tòa nhà, những cây cầu… có thể phủ bằng những cây leo, giúp làm mát thành phố. Việc chặt cây xanh chỉ là giải pháp cuối cùng được chọn lựa khi quyết định đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, ông Hòa nói.

Còn theo TS Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, đô thị, thành phố phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề bảo tồn cây xanh, không nên giao cho ngành GTVT độc quyền vừa quản lý nhà nước về công viên cây xanh vừa quản lý về hệ thống hạ tầng giao thông bởi việc này rất dễ phá bỏ cây xanh trước yêu cầu tiến độ thi công dồn dập các công trình cầu đường. Thay vào đó, nên giao quản lý công viên cây xanh cho Sở Xây dựng thành phố để tránh hiện tượng cứ làm công trình, cứ có tai nạn, sự cố xảy ra là đốn cây xanh và tránh tình trạng cơ quan quản lý thích đốn, nhà đầu tư muốn đốn, người dân đốn theo.


Bài và ảnh: Lê Hiền

Chặt cây xanh - quy hoạch và trách nhiệm
Chặt cây xanh - quy hoạch và trách nhiệm

Trong cuộc tọa đàm “Từ đề án chặt, trồng thay thế 6.700, nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội”, các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra yêu cầu, làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định chặt cây Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN