Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Ảnh: brt.vn |
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu là khu rừng tự nhiên hiếm có còn lại của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tính đa dạng sinh học cao. Về môi trường, đây là khu rừng nằm sát biển với lợi ích lớn trong chắn gió bão, đảm bảo bình yên cho cuộc sống của hàng chục nghìn người dân các xã ven biển huyện Xuyên Mộc.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu bị tàn phá nghiêm trọng do người dân phá rừng lấy gỗ, tự ý lấn chiếm đất rừng để canh tác trồng trái phép các loại cây nông nghiệp. Điều đáng nói là tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ đã diễn ra trong nhiều năm liền, nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của huyện, tỉnh vẫn chưa xử lý được dứt điểm.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đơn vị này hiện quản lý bảo vệ là hơn 10.880 ha, nằm trên phạm vi hành chính của 5 xã, thị trấn thuộc huyện Xuyên Mộc. Tổng trữ lượng rừng bảo tồn có trên 590.530 m3; trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 581.300 m3.
Ông Nguyễn Đăng Quan - Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu cho biết, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng tuy đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Các hộ dân đã sử dụng đất lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp, cây ăn trái… từ trước năm 1978 đến trước ngày 1/7/2014 là hơn 1.570 ha chiếm 15,08% diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Trong số đó, diện tích đã xác định được người sản xuất, canh tác là hơn 1.274 ha/583 hộ, chiếm 81,14% tổng diện tích đất các hộ đã sử dụng ổn định và lấn chiếm đất rừng, còn lại hơn 296 ha là diện tích chưa xác định được người canh tác, chiếm 18,86%. Đa số người lấn chiếm đất rừng cư ngụ tại xã Bình Châu.
Cũng theo ông Quan, vì có rất nhiều đường ra vào Khu Bảo tồn nên khó quản lý. Việc lấn chiếm đất rừng đã được Khu bảo tồn tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, lập biên bản xử lý song vẫn không ngăn chặn được do thực tế nhu cầu cần đất sản xuất của người dân. Ngoài ra, công tác xử lý của các ngành chức năng không triệt để, chưa có vụ lấn chiếm đất rừng nào bị xử lý đến nơi đến chốn, mang tính răn đe, làm gương nên thời gian gần đây việc lấn chiếm xảy ra phổ biến hơn.
Qua tìm hiểu, thời gian qua mặc dù chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng đã nhiều lần làm việc với các hộ vi phạm, song những hộ dân lấn chiếm không chịu nhận khoán rừng mà khẳng định đây là đất của họ do cha, ông đã khai phá từ trước giải phóng.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Thành, ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc là một ví dụ. Gia đình ông Thành hiện đang canh tác trên diện tích khoảng hơn 1 ha đất rừng của Khu Bảo tồn để trồng sắn. Theo ông Thành, đây là đất của cha ông khai phá từ năm 1985, sau đó kiểm lâm lấy để trồng tràm. Sau cơn bão năm 2006 tràm bị chết, gia đình ông trở lại trồng sắn trên mảnh đất này, vì cho rằng đây là đất của cha ông khai phá.
Còn hơn 3 ha đất rừng thuộc khoảng 10, tiểu khu 23 của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu do hộ ông Lê Văn Hùng ở ấp Khu 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc lấn chiếm để ở và trồng cây ăn quả. Theo ông Hùng, mảnh đất này vào những năm trước giải phóng do ông Nguyễn Hữu Hóa, người dân địa phương khai phá, trồng trọt. Đến năm 2009 thì bán lại cho một người ở tỉnh Bình Dương, sau đó người này dùng mảnh đất đó để cúng dường cho Thiền viện Tuệ Quang ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Sau này, cha ông Hùng được Thiền viện giao phụ trách quản lý mảnh đất, đến đời ông Hùng thì cất nhà và tiếp tục sản xuất trồng trọt.
Còn tại khoảnh 9, tiểu khu 24 của Khu bảo tồn (thuộc địa phận xã Bình Châu) từ năm 2015 cũng đã bị gia đình ông Phan Văn Trung tự ý dùng lưới B40 làm hàng rào lấn chiếm với diện tích hơn 4.300 m2 đất rừng. Khoảng 10 năm trước gia đình ông Trung cũng đã tự ý lấn chiếm đất rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu để trồng điều. Năm 2016, UBND xã Bình Châu đã nhiều lần vận động hộ này rời đi nơi khác nhưng không được. Sau đó UBND xã đã ra quyết định cưỡng chế, các cơ quan chức năng của huyện Xuyên Mộc cũng đã nhiều lần vào cuộc nhưng vẫn chưa xử lý được hộ lấn chiếm đất rừng này.
Việc lấn chiếm đất rừng canh tác trái phép cho thấy một bộ phận người dân chưa ý thức được vai trò quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng, mà chỉ thấy lợi trước mắt khi khai phá rừng để trồng cây nông nghiệp.
Nhằm khắc phục thực trạng lấn chiếm đất rừng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đã xây dựng Đề án “Ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu giai đoạn 2015 - 2020”.
Mục tiêu của dự án là ngăn chặn, khắc phục cơ bản hiện trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Đồng thời, phát huy chức năng phòng hộ của đất rừng tự nhiên ven biển, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Quan, với mục tiêu trên, giải pháp mà đề án đưa ra để thực hiện di dời hết số hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ là sẽ tiến hành hỗ trợ, đền bù tùy theo đối tượng, tùy theo thời gian canh tác của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ có chính sách đào tạo nghề, chính sách về khuyến nông, hỗ trợ đất canh tác, cây trồng, nhà ở phù hợp với thực tế của từng đối tượng. Cách làm này nhằm đảm bảo đời sống của người dân đang lấn chiếm đất rừng, để họ có cuộc sống ổn định không còn quay lại lấn chiếm đất rừng để canh tác.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn cũng đề xuất xây dựng hàng rào bảo vệ rừng. Vì qua thực tế, một số khu vực phía Nam quốc lộ 55 gồm các tiểu khu 25, 26, 27, 28, 29 và 30 đã được xây dựng hàng rào bảo vệ rừng đã phát huy hiệu quả, ngăn chặn được tình trạng xâm nhập trái phép. Theo đó, Ban Quản lý khi bảo tồn đề xuất xây dựng hàng rào bảo vệ rừng bao quanh phần còn lại phía Bắc gồm các tiểu khu 22, 23, 24 với chiều dài khoảng 32 km.
Ngoài ra, đề án này cũng nêu rõ để bảo vệ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, ngoài những việc tiến hành như trên, quan trọng nữa là tiến hành khoán bảo vệ rừng và trông lại rừng trên diện tích đã bị lấn chiếm…
Hy vọng đề án này sẽ sớm được triển khai, để Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu sớm được khôi phục, phát huy chức năng phòng hộ của đất rừng tự nhiên ven biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.