Tránh lãng phí do đốt vàng mã dịp Tết

Khác với nhiều chùa chiền ở Hà Nội, tại chùa Thanh Lương (Thanh Oai, Hà Nội), sư thầy trụ trì Thích Di Sơn không cho phép các phật tử cúng và đốt vàng mã tại chùa mà chỉ được phép cúng sớ. Tuy nhiên, tại nhiều đền chùa khác trên địa bàn Hà Nội, tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến gây lãng phí cho chính các phật tử.

 

Phố Hàng Mã - trung tâm hàng “địa phủ” của Hà Nội sôi động nhất trong những ngày cuối năm.

 

Đã thành thông lệ, năm hết Tết đến là thời điểm vàng mã được tiêu thụ mạnh nhất. Từ ngày 23 tháng chạp đến qua tháng giêng, người ta có vô số lí do để dùng đến vàng mã: Tiễn ông Táo về trời, đi tảo mộ tổ tiên, lễ tất niên, mùng 1, hóa vàng, đi chùa đầu xuân… Nhà có điều kiện thì mua sắm đủ lễ vật bằng vàng mã, từ xe hơi, nhà lầu cho đến quần áo, điện thoại, ti vi… theo đúng quan niệm “trần sao âm vậy”. Nhà nào ít điều kiện hơn thì sắm sửa tiền vàng và một vài bộ quần áo để “gửi” cho tổ tiên ông bà.


Trong những ngày cuối năm này, bên cạnh các vật dụng trang trí nhà cửa thì vàng mã là mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất trên phố Hàng Mã (Hà Nội). Ngay từ ngày 23 tháng chạp, nhiều hộ kinh doanh trên phố đã cháy hàng vì nhu cầu sắm tiền vàng để cúng "ông Táo chầu trời" tăng mạnh. Chị Hương, chủ một quầy hàng trên phố cho biết, ngoài những mặt hàng truyền thống, thị trường vàng mã năm nay có thêm một số mặt hàng mới như cau vàng, hũ vàng, cành lúa vàng,... Những mặt hàng hiếm như ô tô Audi mui trần, Mercedes, BMW hay Lexus, khách phải đặt hàng trước để các chủ cửa hàng đặt tại các làng nghề sản xuất và bởi thế, giá của những chiếc xế hộp cho người âm này không hề rẻ. Mỗi chiếc xe ô tô 4 chỗ có giá từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng, xe 7 chỗ từ 200.000 - 300.000 đồng, thậm chí có chiếc lên tới vài triệu đồng.


Mặc dù vàng mã hạng sang có giá khá cao song nhiều người vẫn không ngần ngại “vung tiền” để mua. Chị Trang (Hà Đông - Hà Nội) cho biết: Chồng chị làm nghề kinh doanh nên năm nào chị cũng phải đốt nhiều vàng mã. Theo quan niệm của chị Trang: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Đốt vàng mã nhiều thì năm sau mới làm ăn phát đạt hơn”. Riêng Tết ông Táo vừa qua, chị Trang đã chọn mua bộ 3 áo mũ, đôi hia, cá chép cỡ lớn với giá 150.000 đồng, vàng nén loại đặc biệt 100.000 đồng, bộ cá chép chữ Lộc cho năm mới 90.000 đồng, bó hoa vàng cắm ở ban thờ 400.000 đồng… Chưa đủ, chị Trang dự định còn mua thêm vàng mã để đốt trong ngày 30, mùng 1 Tết và hóa vàng. Như vậy, Tết này, gia đình chị Trang tốn không dưới 1 triệu đồng dành riêng cho việc sắm sửa vàng mã.


Song, trái với suy nghĩ của nhiều người rằng hóa thật nhiều vàng mã để người “cõi âm” có cuộc sống tốt hơn và phù hộ cho mình; nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, tục đốt vàng mã cho người quá cố xuất phát từ Trung Quốc. Trước đây, người ta chỉ đốt một chút vàng mã tượng trưng để bày tỏ tình cảm với người đã khuất nhưng khi xã hội phát triển, ý nghĩa của tục đốt vàng mã đã bị hiểu sai lệch đi.


Số tiền mà các gia đình dành cho việc mua sắm vàng mã ngày Tết không hề nhỏ. Nhưng sự lãng phí ấy còn lớn hơn rất nhiều khi tại các đền chùa, người đến cúng và đốt vàng mã đông nườm nượp trong các ngày đầu năm mới. Theo phong tục, đầu năm người dân nô nức đền chùa để cầu may. Nhiều người trong số đó mang theo lễ vật, và tất nhiên không thể thiếu vàng mã. Tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, các gian hàng đồ lễ, vàng mã “bủa vây” bên ngoài. Người đi lễ có nhu cầu mua sắm vàng mã bao nhiêu cũng có. Tại những đền chùa lớn ở Hà Nội như Quán Sứ, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc trong những ngày đầu năm, lò hóa vàng luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất. Khói bụi bay mù mịt làm ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan của nhà chùa.


Bản thân các vị sư trụ trì tại các chùa cũng không khuyến khích các phật tử đốt vàng mã. Đại đức Thích Thanh Nguyện - Trụ trì chùa Linh Ứng (Từ Liêm - Hà Nội) luôn nhắc nhở các phật tử cũng như du khách đến lễ chùa không đốt nhiều vàng mã. Còn sư thầy Thích Nhật Từ, chùa Ấn Quang (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Các phật tử không nên mua và đốt nhiều vàng mã mà hãy dùng số tiền đó mua vật phẩm cho những người nghèo, trẻ mồ côi…”.


Anh Trần Tiến Đạt (phố Nguyễn Chính, Hà Nội), phật tử chùa Thanh Lương cho hay, đã 4 - 5 năm nay, nhà anh hạn chế đốt vàng mã theo lời dạy của sư thầy trụ trì Thích Di Sơn. “Đặc biệt, khi đến chùa, tôi cũng không cúng và đốt vàng mã, thay vào đó chỉ cúng và đốt 1 tờ sớ”, anh Đạt cho biết.


Đốt vàng mã không chỉ gây lãng phí tiền của mà còn tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy như cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường. Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã quy định, việc đốt đồ mã nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Song thực tế, vì thiếu những chế tài đủ mạnh nên đến nay, tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra như một điều hiển nhiên, đặc biệt là vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới.


Bài và ảnh: Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN