Trao thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân

Ngày 10/6, tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức bàn giao 5 bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương nhập từ Nhật Bản về cho một tổ tàu thuyền (5 chiếc) tại huyện Hoài Nhơn. Mỗi hệ thống câu này trị giá 200 triệu đồng. Sau khi bàn giao, Hội hữu nghị Nhật – Việt tại Sakai cử 2 chuyên gia để hướng dẫn ngư dân sử dụng hệ thống máy câu.

Câu cá ngừ đại dương. Nguồn: Chinhphu.vn


Hệ thống câu cá ngừ đại dương theo phương pháp của Nhật Bản có 2 bộ phận chính là máy thu câu (MSW-1DR 130) và máy tạo xung (xung điện – tuna shocker). Dây câu được đưa qua máy thu câu để câu cá. Khi cá mắc câu, hệ thống sẽ tự xả dây khi lực cá lớn và tự thu dây khi lực cá yếu. Khi thu cá về gần mạn tàu, ngư dân sẽ dùng máy tạo xung để làm cá bị tê liệt nhanh chóng trước khi đưa lên tàu và sơ chế, ướp lạnh.

Trước đó, 5 tàu đánh bắt cá ngừ trên cũng đã được hướng dẫn và hỗ trợ chi phí cải hoán các hầm chứa trên tàu theo phương pháp của Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn An, chủ tàu BĐ96776TS, thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), nói: “Theo phương pháp sơ chế và ướp lạnh trong hầm tàu đã được cải hoán, tàu của tôi đi được 3 chuyến biển, bình quân đạt 4,5 tấn/chuyến. Sản phẩm cá ngừ đưa về bờ được Công ty cổ phần thủy sản Bình Định mua lại với giá cao hơn 20% giá thị trường cùng thời điểm. Vừa rồi, giá cá ngừ các tàu khác được thu mua 80.000 đồng/kg, thì theo phương pháp này, chúng tôi bán được 96.000 đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn, ngư dân phấn khởi hơn”.

Sau khi được trang bị cả hệ thống câu và hầm ướp lạnh mới, 5 tàu thuyền trên sẽ luân phiên đưa cá vào bờ nhanh hơn so với truyền thống, mục tiêu là từ khi câu đến khi cá ngừ đi máy bay sang Nhật Bản không quá 10 ngày. Nếu áp dụng hoàn toàn theo phương pháp này, giá trị sản phẩm cá ngừ có thể tăng lên gấp nhiều lần.

Bình Định cùng với Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh đánh bắt cá ngừ đại dương chủ yếu của cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lê Hữu Lộc cho rằng, việc hỗ trợ 5 bộ ngư cụ này là bước khởi đầu giúp ngư dân Bình Định thay đổi phương pháp đánh bắt, đảm bảo được chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Từ đây tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng cho ngư dân, hướng cho người dân tự trang bị và đánh bắt hoàn toàn theo phương pháp hiện đại.

Cùng ngày, Công ty đóng tàu Nha Trang, thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy, đã ký kết đóng mới 2 tàu vỏ thép cho 2 ngư dân thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) là ông Lê Văn Lùng và Bùi Thanh Mến. Đây sẽ là những tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân tỉnh Bình Định.


Ly Kha
Quốc hội duyệt chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ lực lượng chấp pháp biển và ngư dân
Quốc hội duyệt chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ lực lượng chấp pháp biển và ngư dân

Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng; chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN