Tương lai của nhân loại, của thế giới, của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, liên quan chặt chẽ tới những thế hệ kế thừa và tiếp nối. Vì vậy nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên và nhi đồng là trách nhiệm của toàn xã hội.
Ngày 10/2/1948 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua và tuyên bố NQ số 217A về quyền con người. Liên hợp quốc đã thông báo rằng: “Trẻ em có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt, tất cả trẻ em trong hay ngoài giá thú đều được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau”. Nhiều thập kỷ qua, việc chăm sóc trẻ em ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã được quan tâm ở những mức độ khác nhau, song do các yếu tố chủ quan và khách quan như thiên tai, mất mùa, chiến tranh, hoặc do trình độ dân trí thấp… tại nhiều nơi trên thế giới trẻ em vẫn còn phải gánh chịu những nỗi đau, những thiệt thòi, trẻ em vẫn bị đói rét và vẫn bị giết hại trong những cuộc chiến, thậm chí vẫn bị bắt buộc cầm súng ra trận, hoặc phải tự lao động nuôi thân quá sớm, hoặc bị mua bán, xâm hại…
Trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Ảnh: Lê Phú |
Tinh thần nhân đạo sâu sắc
Ngày 20/11/1989 Liên hợp quốc đã thông qua và phê chuẩn “Công ước về quyền trẻ em” bao gồm 54 điều khoản, có hiệu lực từ ngày 2/9/1990. Trong lời mở đầu, công ước đã khẳng định: “Để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông… trẻ em cần được chuẩn bị đầy đủ để sống cuộc sống cá nhân trong xã hội và cần được nuôi nấng, giáo dục theo tinh thần các lý tưởng được nêu ra trong hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt trong tinh thần hòa bình, phẩm giá, khoan dung, tự do, bìmh đẳng và đoàn kết”. Công ước cũng định nghĩa trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi (trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó qui định tuổi thành niên sớm hơn). Có thể nói Công ước về quyền trẻ em là một công ước đầy sự tiến bộ xã hội, với tinh thần nhân đạo sâu sắc. Công ước đã chỉ ra tất cả những quyền lợi mà trẻ em ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều được hưởng thụ để trưởng thành đúng nghĩa một con người. Có thể điểm qua những quyền trẻ em rất cơ bản của công ước như: “ Không phân biệt đối xử” - điều 2, công ước quan tâm đến “lợi ích tốt nhất của trẻ em” - điều 3, quyền “sống còn và phát triển” - điều 6; đoàn tụ gia đình - điều 10; Công ước còn quan tâm đến “mức sống” của trẻ em - điều 27; “Bảo vệ trẻ em không gia đình: - điều 20; “Được bảo vệ khi tị nạn” - điều 22; “Chăm sóc trẻ khuyết tật” - điều 23; “Chống buôn bán và bắt cóc” - điều 35… Điểm qua như vậy, chúng ta có thể thấy rất rõ tinh thần cao đẹp, tiến bộ, cũng như sự cần thiết của công ước, nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Tại sao có Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 Rạng sáng ngày 1/6/1942, bọn phát xít Đức Hítle đã gây nên một tội ác “trời không dung, đất không tha” tại làng Liđixơ, Tiệp Khắc. Sớm hôm đó, chúng bao vây làng này, thảm sát và bắt đi rất nhiều người dân vô tội, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Nhiều em sau đó bị chết trong các phòng hơi độc. Làng Liđixơ sau đó không còn một bóng người. Căm phẫn trước tội ác dã man của phát xít Đức, loài người tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án và đấu tranh để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Sau khi phát xít Đức bị đánh bại, nhà nước Tiệp Khắc lúc bấy giờ đã cho xây dựng lại làng Liđixơ và Đài Tưởng niệm để ghi sâu tội ác của phát xít. Tháng 12/1949, Liên Hiệp Hội Phụ nữ Á Phi họp ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã đề nghị và được Liên Đoàn Phụ nữ Dân chủ Thế giới chọn ngày 1/6 hằng năm làm ngày Quốc tế Thiếu nhi để nhắc nhở nhân dân toàn thế giới nhớ đến vụ thảm sát Liđixơ và Ôrađua của bọn phát xít và hành động để bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Ngày Quốc tế Thiếu nhi ra đời từ đó. Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ nước ta sang thăm Tiệp Khắc. Người đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Liđixơ. Người nói: “Chúng ta quyết tâm phấn đấu để trên toàn thế giới không còn những cảnh thảm sát như ở Liđixơ và Ôrađua nữa, để cho con cháu chúng ta không bao giờ phải nếm mùi khủng khiếp của chiến tranh, để con cháu chúng ta lớn lên sung sướng trong hòa bình !” Trọng Nghĩa (St) |
Công ước nhắc nhở tất cả chúng ta hãy vì một tương lai tốt đẹp của trẻ em, cũng chính vì một tương lai tốt đẹp của đất nước, của dân tộc, của nhân loại mà hành động cho đúng đắn, hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990 và Công ước đã được dịch, in ấn, phát hành rộng rãi bằng những cuốn sách nhỏ có thể bỏ túi. Nội dung Công ước được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần giác ngộ và giáo dục, bồi dưỡng một thái độ đúng đắn về việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Ngay chính trẻ em cũng hiểu được những quyền cơ bản của mình. Chừng nào trên trái đất còn trẻ em đói rét, còn trẻ em bị ngược đãi, bắn giết, chừng nào trẻ em còn chưa được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển đúng cách thì Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vẫn là tiếng chuông báo hiệu, nhắc nhở mọi người, nhắc nhở mọi quốc gia hãy hành động vì tương lai tốt đẹp của trẻ em.
Dương Hiền Nga