Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa tại một siêu thị ở Hà Nội (ảnh tư liệu). Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Riêng Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 15 cơ sở, dừng lưu thông 8 lô sản phẩm, tiêu hủy 2 lô sản phẩm; chuyển 6 vụ việc sang cơ quan điều tra (trong đó có 4 vụ có chất lượng không đúng theo công bố, 2 vụ có dấu hiệu làm giả giấy tờ). Số sản phẩm bị thu hồi chủ yếu là sản phẩm đóng gói sẵn như sữa, các sản phẩm từ thịt, thực phẩm chức năng...
Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 có chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi cả nước. Theo đó, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Hà Nội, Ninh Bình, Cần Thơ, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Bên cạnh hoạt động truyền thông, các đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung xem xét các nội dung như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hồ sơ công bố hợp quy/công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm phải công bố, hồ sơ sản phẩm được cơ quan chức năng xác nhận (nếu có).
Đồng thời, các đoàn kiểm tra về nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; tài liệu quảng cáo, hồ sơ đăng ký quảng cáo đối với những cơ sở có quảng cáo sản phẩm thực phẩm; hồ sơ theo dõi về sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ đối với thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần.
Ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: Năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2018. Theo đó, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện hậu kiểm về an toàn thực phẩm thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.
Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện tại các địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên, Đồng Nai, Vĩnh Long (tháng 4, 5, 6/2018); Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh, An Giang (tháng 7, 8, 9/2018); Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Bắc Ninh, Bắc Giang (tháng 10, 11, 12/2018).
Công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm sẽ kết hợp hậu kiểm hồ sơ và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hồ sơ tự công bố sản phẩm, trình tự công bố, phiếu kết quả kiểm nghiệm, ghi nhãn, quảng cáo và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố/đăng ký bản công bố và các hồ sơ, tài liệu pháp lý.
Riêng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các tỉnh, thành phố tập trung hậu kiểm việc chấp hành quy định chung về bảo đảm an toàn thực phẩm; các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; việc sử dụng phụ gia thực phẩm…