Theo đó, EVN SPC phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra và tư vấn khách hàng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm toán năng lượng đối với doanh nghiệp trọng điểm. Đồng thời kết hợp với Sở Công Thương và phối hợp Trung tâm tiết kiệm năng lượng thường xuyên tổ chức hội thảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các doanh nghiệp.
Mặt khác, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm; Hỗ trợ tư vấn miễn phí cho khách hàng sử dụng điện; Giới thiệu các mô hình tiết kiệm điện trong sử dụng điện sản xuất, các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện. Qua đó, thí điểm, đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình.
Đối với các phụ tải nông nghiệp như chong đèn thanh long, hiện nay, diện tích trồng thanh long ngày một tăng. Trước đây nếu chỉ phổ biến tại các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An, thì nay các tỉnh lân cận đã bắt đầu canh tác loại cây này, do đó áp lực cung cấp điện tại các khu vực này ngày càng nặng nề hơn. Từ thực tế trên, EVN SPC sẽ tổng kết chương trình hỗ trợ hộ nông dân thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện, đánh giá hiệu quả của chương trình và đề xuất giải pháp cụ thể cho nhóm phụ tải này.
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang tập trung triển khai các giải pháp cụ thể về tiết kiệm điện cho từng nhóm đối tượng sử dụng điện. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Đối với chong đèn trồng hoa tại Lâm Đồng, Tổng công ty đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng chọn mô hình thí điểm thay thế đèn LED cho đèn compact hiện tại. Sau đó sẽ đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình nếu đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Về nhóm phụ tải nuôi trồng thủy sản, hiện nay, Công ty Điện lực Sóc Trăng đang thí điểm mô hình hỗ trợ tiết kiệm năng lượng trong nuôi tôm công nghiệp. Cuối năm nay, EVN SPC sẽ đánh giá hiệu quả mô hình thí điểm này và nhân rộng nếu có hiệu quả cao.
Ngoài các giải pháp tiết kiệm điện áp dụng cụ thể đối với từng nhóm tiêu dùng điện, EVN SPC tiếp tục duy trì phương thức tuyên truyền nội dung tiết kiệm điện trên Đài truyền thanh - truyền hình địa phương. Phối hợp với các đoàn thể, duy trì hình thức tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt của hội/ đoàn thể.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện trong các trường học, tạo sân chơi kiến thức tiết kiệm điện cho học sinh, lồng ghép nội dung tiết kiệm điện vào các hoạt động thường ngày, thay đổi thói quen sử dụng điện cho bản thân học sinh và gia đình. Đồng thời tiếp tục tổ chức ngày hội Tiết kiệm điện mỗi năm, một lần thay đổi địa điểm đảm bảo mục tiêu phát động đến tất cả các khu vực trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố tham gia.
Hiện EVN SPC đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng chính sách khuyến khích các khách hàng hiện đang sử dụng công nghệ lạc hậu và tiêu thụ nhiều năng lượng đầu tư theo mô hình ESCO. Bên cạnh đó, xây dựng hành lang pháp lý và điều kiện hoạt động cho mô hình này gồm cơ chế, chính sách về tài chính, hợp đồng mẫu, phương pháp đo lường và giám sát (M&V), tổ chức thẩm định/đánh giá độc lập.
EVN SPC cho biết, Dự án hỗ trợ sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mô hình ESCO là một trong các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Mô hình Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) thực hiện thí điểm bằng các giải pháp hỗ trợ và tuyên truyền theo chiều sâu, hướng đến các khách hàng sản xuất công nghiệp, sử dụng nhiều năng lượng. Lĩnh vực được lựa chọn là cung cấp hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời. Đối tác phối hợp triển khai là Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng mặt trời Bách khoa (SolarBK).
Đến thời điểm này, EVN SPC đã tiếp xúc và tư vấn áp dụng mô hình ESCO cho hơn 50 khách hàng, đã ký hợp đồng ESCO lắp đặt hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời cho 7 khách hàng tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Cần Thơ, với tổng dung tích sử dụng nước nóng 93.000 lít/ngày, số vốn đầu tư là 7,365 tỷ đồng.