Ngày 2/11 tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Công ty Cổ phần Thương mại Công nghiệp Bình Minh đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Công ty với Hiệp hội Dược liệu Việt Nam; Công ty với Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Lãnh đạo Công ty ký kết hợp tác với Hiệp hội Dược liệu Việt Nam. |
Theo ông Sái Minh Đạo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Công nghiệp Bình Minh: Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Công ty và Hiệp hội Dược liệu Việt Nam là một bước hiện thực hóa đưa mô hình kinh doanh “Dòng sản phẩm dược liệu Việt-Herba-V” vào triển khai ngay trên quê hương Cao nguyên đá Đồng Văn. Hai bên sẽ cùng xây dựng một chuỗi cung ứng dược liệu sạch và sản phẩm dược liệu được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, nuôi trồng đến khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ. Phát huy hiệu quả sự liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học) đối với việc triển khai mô hình dòng sản phẩm dược liệu Việt-Herba-V. Trong đó vai trò của doanh nghiệp sẽ là động lực cho sự phát triển, góp phần thực hiện thành công Đề án đã được Chính phủ phê duyệt “Phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo” tại 6 huyện nghèo 30a của Hà Giang.
Lãnh đạo Công ty ký kết hợp tác với BQL CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Các loại cây dược liệu quý sinh trưởng và phát triển tốt trên Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Các vùng trồng và sản xuất dược liệu của Công ty nằm giữa Công viên Địa chât toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt của cả nước và của thế giới, chứa đựng những di sản địa chất, địa mạo và những giá trị về di sản văn hóa, nhân văn. Nơi đây còn lưu giữ được các giá trị đa dạng về sinh học và môi trường; là địa bàn sinh sống của 17 dân tộc thiểu số với những nét đặc trưng về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Công ty và Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là cơ sở pháp lý để hai bên phối hợp xây dựng và quảng bá mô hình phát triển du lịch, đưa vùng dược liệu thành điểm đến du lịch hấp dẫn tại Cao nguyên đá Đồng Văn. Mô hình kinh doanh du lịch bền vững mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, Nhà nước và cộng đồng với phương châm “Phát triển bền vững tạo an sinh”.
Công nhân Công ty chăm sóc cây dược liệu. |
Trước đó tháng 4/2013, Công ty đã khởi công xây dựng “Khu ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả theo hướng VietGap” và dịch vụ thương mại nông nghiệp thuộc đề án: Phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo tại 6 huyện 30a của tỉnh Hà Giang. Hiện nay, hàng loạt giống cây dược liệu đầu tiên được trồng tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ như Thảo quả, Hương thảo, Ấu tẩu, Giảo cổ lam, Atiso, Bạch chỉ… đã bén rễ, sinh trưởng, phát triển xanh tươi trên vùng đất Cao nguyên đá Đồng Văn và đã cho ra những lô sản phẩm đầu tiên, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, với thu nhập ổn định.
Ông Tạ Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Dược liệu Việt Nam cho biết: Để có những sản phẩm dược liệu sạch, Hiệp hội và Công ty đã không ngừng tìm hiểu và ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao và công tác nuôi trồng, chế biến, sản xuất phù hợp với quy trình “Sản xuất - thu hái theo tiêu chuẩn WHO-GACP” của tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế ban hành; cũng như mô hình kinh doanh mới “Dòng sản phẩm dược liệu Việt-Herba-V” do Hiệp hội Dược liệu Việt Nam xây dựng. Nhằm phát hiện, duy trì, bảo tồn các loài cây dược liệu quý; xây dựng Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu Quốc gia. Đồng thời tạo ra sự khác biệt giữa sản phẩm dược liệu Việt với cá sản phẩm dược liệu khác đang tiêu thụ trên thị trường.
Tin, ảnh: Minh Tâm - TTXVN