Các biện pháp cụ thể gồm: các cơ quan nhà nước vận động tuyên truyền phòng dịch, yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nếu có điện thoại thông minh thì cần cài đặt Bluezone. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cử người ghi nhận hoạt động ra vào trụ sở, yêu cầu người đến làm việc cài đặt và chạy ứng dụng. Chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố cần đi từng nhà phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng BlueZone. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cần phát động phong trào cài đặt và hỗ trợ người dân cài đặt. Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm yêu cầu học sinh, sinh viên có điện thoại di động thông minh cài đặt Bluezone cho mình và người thân. Sau khi cài đặt, người dân cần bật hiển thị thông báo đề nghị cài đặt Bluezone và thông tin hướng dẫn cài đặt trên các kênh wifi công cộng, bến tàu xe, sân bay, bến cảng, phương tiện giao thông vận tải. Khách du lịch đến địa bàn cần nhận được ngay thông báo cài đặt Bluezone trên điện thoại.
Các nhà hàng, khách sạn, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn có trách nhiệm phổ biến, khuyến nghị khách hàng cài đặt Bluezone khi sử dụng dịch vụ hoặc ra vào trụ sở. Các đơn vị liên quan cần triển khai nhắn tin trên ứng dụng Zalo và tin nhắn SMS cho người dân và đề nghị cài đặt Bluezone và định kỳ nhắc lại; tổ chức đưa tin và định kỳ nhắc lại trên các phương tiện truyền hình, phát thanh, báo của địa phương; tuyên truyền đến người dân trên địa bàn thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở (xã, phường). Các địa phương cần triển khai hình ảnh tuyên truyền bản in và dán nơi công cộng, điểm đông người; bản điện tử trong thang máy và các địa điểm công cộng.
Theo số liệu thống kê của Cục Tin học hóa cung cấp, tính đến 11h ngày 2/8/2020, số lượt tải khẩu trang điện tử Bluezone tăng mạnh từ khi các biện pháp tuyên truyền triển khai ứng dụng Bluezone được đẩy mạnh ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác. Tính đến 22h ngày 2/8, tổng số lượt cài đặt ứng là hơn 2 triệu lượt.
Đại diện nhà mạng Viettel cho biết, đơn vị đã hoàn thành nâng cấp năng lực hệ thống kê khai y tế điện tử (Vietnam Health Declaration) lên 30% nhằm phục vụ người dân và hỗ trợ Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tốt hơn.
Theo Viettel, từ ngày 25/7 đến ngày 2/8, lưu lượng của ứng dụng này có xu hướng tăng theo “đồ thị thẳng đứng”, chạm mốc 1,1 triệu lượt kê khai, gấp gần 28 lần so với tuần trước đó. Riêng ngày 30/7, số lượng hồ sơ kê khai lên tới 392.000 lượt, cao hơn 12 lần so với ngày đầu tiên xuất hiện ca mắc mới (25/7).
Nhà mạng đã chủ động nâng cấp hệ thống với khả năng lưu trữ bản ghi hồ sơ kê khai đã tăng từ 22 triệu lên hơn 28 triệu bản ghi. Ứng dụng NCOVI cũng đáp ứng cho hơn 10.000 người dùng truy cập đồng thời. Viettel đã chuẩn bị thêm 3 hệ thống dự phòng, sẵn sàng hỗ trợ, nâng năng lực hệ thống gấp thêm 4 lần...