Gần đây, khi nghe tin ruộng đất chuẩn bị bị thu hồi cho các dự án, nhiều hộ nông dân ở các phường Hiến Nam, Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) thay vì cấy lúa trồng màu đã tranh thủ "chuyển đổi" đưa cây chuối vào trồng với hy vọng được hỗ trợ giá cao.
Nhưng "thủ thuật" để làm tăng giá trị đền bù kiểu này của bà con đã không có kết quả như mong muốn.
Cánh đồng của phường Hiến Nam trước đây vốn chuyên canh 2 vụ lúa và một vụ đông. Nhưng từ khi có qui hoạch sẽ thu hồi để bàn giao cho khu đô thị Đại học Phố Hiến, nhà nhà không ai bảo ai đổ xô đi mua chuối về trồng.
Những ruộng chuối nhanh chóng mọc lên, chỉ sau vài tuần đã phủ kín cả cánh đồng. Chị Nguyễn Thị Vân có ruộng ở cánh đồng thôn An Vũ thật thà: Nghe nói trồng chuối sẽ được đền bù cao nên từ vụ này sẽ không cấy lúa nữa mà chuyển sang trồng chuối.
Trên cánh đồng thôn An Vũ, những ruộng chuối mọc dày cây chi chít trông thật lạ mắt. Một nông dân cho biết, với mật độ mỗi mét vuông trung bình được trồng từ 15 đến 20 cây, mỗi sào lên tới 5.000 cây.
Những cánh đồng lúa nhanh chóng thành vườn chuối. |
Tương tự như vậy, trên cánh đồng vùng bãi của phường Lam Sơn, lâu nay vẫn trồng các loại cây màu như ngô, đay, đỗ và các rau màu khác. Nhưng từ khi thành phố Hưng Yên có dự án thi công đường vành đai từ cảng sông Hồng nối quốc lộ B chạy qua, nhiều hộ dân đã "siêu tốc" biến những cánh đồng bãi màu thành cánh đồng chuối, ngay cả những khu vực bị bỏ hoang cũng bỗng dưng mọc lên những vườn chuối, thậm chí nhiều cây không có gốc.
Tất cả được trồng theo kiểu "cắm nêm", dày như gieo mạ. Theo ông Đào Văn Quang: đằng nào ruộng cũng bị thu hồi, bà con chẳng tội gì mà không tranh thủ để kiếm chút đền bù cao hơn.
Nhiều người kháo nhau: Với giá vốn từ 3.000 đến 5.000 đồng/cây, chi phí cho mỗi sào chuối chỉ mất khoảng trên 2 triệu đồng. Khi bàn giao đất, mỗi cây được hỗ trợ ở mức 10.000 hoặc 20.000 tuỳ loại to nhỏ, tính ra mỗi sào sẽ được đền bù không dưới 70 triệu đồng, lãi gấp cả mấy chục lần.
Song kiểu "đếm cua trong hang" như trên lại đem lại kết cục cười ra nước mắt. Theo Quyết định 02/QĐ-UB ngày 2/12/2007 của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành qui định về bồi thường đền bù khi thu hồi đất: đối với diện tích đất ở hoặc đất đã chuyển đổi mà có tài sản trên đất như cây chuối thì được đền bù, mức cụ thể là 10.000 đồng/cây nhỏ (đường kính dưới 10 cm) và 20.000 đồng/cây có đường kính trên 20 cm. Như vậy với các diện tích canh tác chưa chuyển đổi thì tài sản trên đất được hỗ trợ là lúa và màu.
Theo đó, trên cánh đồng Hiến Nam và Lam Sơn việc bỗng nhiên trồng chuối sẽ mang lại "hiệu quả" là... "lấy công làm lỗ"!
Để tránh thiệt hại cho nông dân từ sự nhầm lẫn trên, chính quyền phường Hiến Nam và Lam Sơn cũng đã thông báo rõ và yêu cầu nông dân dừng trồng chuối. Nhưng xem ra nhiều người vẫn bỏ ngoài tai, một số hộ còn cho rằng mấy ông cán bộ nói như vậy để lừa dân.
Việc trồng chuối ồ ạt "siêu tốc" vẫn diễn ra. Cán bộ phường chỉ còn biết lắc đầu: Lợi thì chưa thấy nhưng cách làm phản cảm này cũng là tiền lệ xấu và là cơ hội cho các phần tử kích động gây kiện tụng trong giải phóng mặt bằng, làm khó cho việc bàn giao đất cho các dự án.
Mai Ngoan