Chương trình nhằm giúp người dân từng bước tiếp cận được với các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn.
Mô hình trồng rau sạch tại gia đình ông Vũ Văn Hưng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Từ tháng 5/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với
Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) và các đơn vị liên quan tiến
hành khảo sát, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc an toàn sản phẩm rau,
củ, quả và triển khai ở hai hợp tác xã.
Trong giai đoạn thí điểm, Hợp
tác xã Sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh) có 86
hộ nông dân tham gia, cung cấp 12 sản phẩm như cải ngọt, cải xanh, mồng
tơi, rau mát, rau dền, rau muống, bồ ngót, rau lang, cần nước...; trong
khi Hợp tác xã dịch vụ Phú Lộc (huyện Củ Chi) có 8 hộ nông dân, cung cấp
6 sản phẩm gồm mướp đắng, bầu, bí xanh, dưa chuột, cải xanh, cải ngọt.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, trước mắt, hai hợp tác xã Phước An và Phú Lộc sẽ cung cấp khoảng 5,3 tấn rau, củ, quả mỗi ngày tại 4 hệ thống siêu thị của Saigon Co.op (Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh), Lotte, Big C và AEON; đặc biệt hiện hệ thống Saigon Co.op đã có 33 điểm phân phối các sản phẩm rau, củ, quả có truy xuất nguồn gốc. Dự kiến, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: Khách hàng rất hoan nghênh, ủng hộ việc truy xuất nguồn gốc rau, củ quả tại TP Hồ Chí Minh, giúp tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt trong những ngày cao điểm Tết hiện nay. Đối với mặt hàng rau, củ, quả, hiện hệ thống siêu thị Co.op Mart và các điểm bán của Saigon Co.op cung cấp từ 100 - 120 tấn/ngày. So với nhu cầu thì số lượng rau dán tem truy xuất nguồn gốc còn thấp. Do vậy, chúng ta không chỉ thí điểm ở hai hợp tác xã sản xuất như hiện nay, mà cần mở rộng ra các đơn vị khác.
Ghi nhận tại siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) sáng 18/1, các mặt hàng rau, củ, quả có truy xuất nguồn gốc được bày bán khá nhiều bên cạnh các mặt hàng rau, củ, quả khác. Lượng khách hàng mua sắm chưa nhiều và chưa quan tâm truy xuất nguồn gốc, nhưng đa số khách hàng đánh giá việc triển khai chương trình là cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Loan (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi chưa truy xuất nguồn gốc nhưng thấy có tem mã vạch để kiểm soát như vậy cũng thấy yên tâm hơn khi mua về dùng”.
Để truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng Zalo (dùng hệ điều hành Android) hoặc các phần mềm quét mã QR code trên thiết bị di động thông minh quét mã. Cùng với thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt lợn trước đó, việc triển khai truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả lần này nằm trong định hướng chung về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc của TP Hồ Chí Minh.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đây mới là thí điểm bước đầu. Thành phố sẽ giao cho các sở ngành tiếp tục nhân rộng các mặt hàng, ngành hàng tiếp theo cũng như mở rộng các địa bàn, khu vực, để làm sao đông đảo người tiêu dùng của thành phố có thể tiếp cận được những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, thành phố sẽ phối hợp với các địa phương trong khu vực thực hiện chương trình.