Từ 1/6, giấy phép lái xe cấp mới được in mã hai chiều (QR)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã có công văn số 3312/TCĐBVN-QLPT&NL ngày 25/5/2020 yêu cầu các Sở GTVT in mã hai chiều (QR) vào mặt sau giấy phép lái xe (GPLX) mới cho người dân, nhằm cụ thể hóa khoản 28 Điều 1 Thông tư số /2019/TT-BGTVT về quản lý GPLX. Cụ thể, từ ngày 1/6/2020, GPLX cấp mới phải có mã hai chiều QR mới hợp lệ, GPLX in sau thời điểm trên không có mã hai chiều (QR) là không hợp lệ.

GPLX cũ chưa đến hạn cấp đổi từ ngày 1/6 trở về trước vẫn được sử dụng như bình thường.

Mã hai chiều QR để đọc, giải mã nhanh thông tin trên GPLX đã liên kết với hệ thống thông tin quản lý GPLX của các cơ quan liên quan, để giúp các lực lượng chức năng xác minh tính xác thực và tra cứu thông tin GPLX của lái xe.

Việc sử dụng mã hai chiều QR sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý và lực lượng tuần tra, kiểm soát trong việc phát hiện các GPLX không hợp lệ và liên kết nhanh với cơ sở dữ liệu quản lý GPLX của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Chú thích ảnh
GPLX in mã hai chiều QR hợp lệ.

GPLX trước đây được làm từ giấy bìa với công nghệ in, bảo mật còn lạc hậu, việc quản lý thủ công, nên còn nhiều hạn chế, chưa hình thành hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX toàn quốc, người lái xe muốn đổi GPLX phải đến đúng Sở GTVT trực tiếp quản lý làm thủ tục. Để khắc phục các tồn tại này, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, từ ngày 1/7/2012 đã thực hiện đổi mới GPLX và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, việc cấp đổi GPLX được thực hiện tại bất kỳ Sở GTVT nào thuận tiện nhất cho người lái xe.

GPLX mới có kích thước nhỏ gọn, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, làm bằng vật liệu PET, đảm bảo độ bền cơ học, chịu ẩm, chịu nhiệt phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường, có tính năng bảo mật cao, ảnh của người lái xe được in trực tiếp trên GPLX, sử dụng công nghệ IPI mã hóa thông tin ẩn trên ảnh của người lái xe; các thông tin này được hiển thị dưới kính giải mã đơn giản và tiện dụng đối với lực lượng tuần tra kiểm soát.

Trên GPLX có hoa văn bảo mật và tem chống làm giả, sử dụng chữ ký số do Ban cơ yếu Chính phủ chuyển giao để bảo mật ảnh chữ ký và con dấu của người phê duyệt cấp GPLX, nên sẽ hạn chế tới mức thấp nhất khả năng làm giả hoặc tẩy xóa, sửa chữa GPLX.

Hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, gồm 12 phần mềm quản lý từ quá trình đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và cập nhật các vi phạm của người lái xe và hình thành cổng thông tin điện tử về GPLX toàn quốc.

Việc cấp GPLX mới và thực hiện quản lý GPLX theo hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, tạo điều kiện để lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm của ngành Công an và cơ quan, doanh nghiệp sử dụng người lái xe dễ dàng cập nhật, khai thác, truy cập vào cổng thông tin điện tử về GPLX của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xác thực và theo dõi vi phạm của người lái xe khi cần; đồng thời, các cơ quan quản lý dễ dàng rà soát, xử lý, để loại trừ các trường hợp bị lực lượng chức năng thu hồi GPLX, nhưng lại giả báo mất để xin cấp lại GPLX và hạn chế việc sử dụng GPLX giả hoặc cùng lúc sử dụng nhiều GPLX; cũng như giảm bớt thủ tục, thời gian xác minh GPLX .

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ: Phạt hơn 75 tỷ đồng, tước trên 6.000 giấy phép lái xe
Tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ: Phạt hơn 75 tỷ đồng, tước trên 6.000 giấy phép lái xe

Qua một tuần (từ 15 đến 22/5/2020) thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát, lực lượng CSGT trên cả nước đã phát hiện lập biên bản xử lý hơn 101.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ gần 16.000 xe và tước hơn 6.000 giấy phép lái xe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN