Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, 90% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 16 - 18 gây ra và chủ yếu điều khiển xe máy dưới 50 cm3. Trong khi đó, có tới hàng vạn người dưới 18 tuổi đều có thể điều khiển xe, nhưng không cần phải học thi GPLX.
Vì vậy, theo TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, việc bắt buộc người điều khiển những phương tiện này phải có GPLX là cần thiết trong bối cảnh gia tăng phương tiện nhanh chóng như hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai cần được phối hợp, tính toán kỹ giữa các cơ quan liên quan, đảm bảo ít gây ảnh hưởng nhất đến các bậc phụ huynh, người giám hộ và bản thân các em học sinh.
"Vấn đề này cần phải có số liệu thống kê, phân tích nhu cầu từng địa phương, địa bàn, kết hợp với việc so sánh công suất, năng lực đáp ứng của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe", ông Trần Hữu Minh cho hay.
Tại khoản 2, Điều 62, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an ATGT do Bộ Công an đưa ra mới đây, người lái xe máy, xe máy điện có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4 kw phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX Hạng A0. Điểm a, Khoản 1, Điều 63 dự thảo Luật cũng quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được cấp GPLX Hạng A0.
Qua tìm hiểu, hầu hết các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đều cho rằng, việc mở thêm, bổ sung thêm các khóa đào tạo, cấp GPLX Hạng A0 không khó, nhưng đây là một chủ trương lớn, cần phải có lộ trình, để đảm bảo việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX Hạng A0 trở thành bắt buộc đối với người điều khiển xe máy dưới 50 cm3. Nếu ngay từ đầu việc sát hạch không nghiêm túc, khó có thể hình thành ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Trao đổi vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT) cho biết, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT soạn thảo dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5 này cũng quy định, người điều khiển xe máy dưới 50 cm3 phải được cấp GPLX. Điều này cũng phù hợp với các Công ước quốc tế, cũng như thực tế TNGT tại Việt Nam.
Thực tế hiện nay tại các nhà trường, việc giáo dục ATGT chỉ được lồng ghép trong các giờ học ngoại khóa, nên việc tuyên truyền, nhắc nhở, áp dụng thực hiện các kỹ năng giao thông an toàn hạn chế. Trong khi độ tuổi học sinh có thể ý thực tự giác, nắm rõ và rèn luyện tốt các kỹ năng lái xe ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Do đó, việc yêu cầu phải học và thi lấy GPLX đối với nhóm phương tiện dưới 50 cm3 là cần thiết. Không chỉ phù hợp với xu hướng trên thế giới, mà điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông một cách bài bản, có hệ thống cho các em học sinh.