Biến đổi khí hậu:

“Tự lực tự cường" và thắp sáng "tình người" trong phòng chống thiên tai

Năm 2016 thiên tai xảy ra ở nhiều nơi, gây hậu quả nặng nề, khiến nhiều người dân mất cửa nhà, tài sản, nhiều người mất tích, bị thương, thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, tinh thần “tự lực tự cường”, sự tương thân tương ái trong nhân dân luôn được "phát huy" để chống chọi và khắc phục với những hậu quả ấy.

Người dân vùng lũ đã dần phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống, đón chào một mùa xuân mới Đinh Dậu 2017 với nhiều niềm tin và hy vọng.

Chia sẻ và đồng hành


Trước thực tế về tình hình mưa lũ diễn ra tại các tỉnh miền Trung trong năm qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo rất quyết liệt, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành các Công điện chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh Trung Bộ ứng phó với mưa lũ.
 

Anh Võ Văn Thảo, ấp Tây Sơn 3, xã Đông Yên, huyện An Biên thẫn thờ nhìn những bông lúa chết khô vì thiếu nước và nhiễm mặn. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Đặc biệt, Chính phủ và một số bộ, ngành đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, đảm bảo an toàn hồ đập, kiểm tra xả lũ và khắc phục hậu quả sau thiên tai, đánh dấu vết lũ, nhận dạng lũ và đề xuất giải pháp ứng phó lâu dài.

Trong hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung với các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa ngày 17/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Việc chỉ đạo ứng phó với mưa lũ phải chủ động, quyết liệt, với tinh thần "tự lực tự cường" là chính, "tương thân tương ái", tránh tư tưởng chủ quan.

Đồng cảm với những khó khăn của nhân dân trong bão lũ, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu dân cư còn đang bị ngập sâu, chia cắt, cô lập để hỗ trợ lương thực, thực phẩm (lương khô, bánh mỳ, mỳ tôm, gạo...) cho người dân; chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm không bảo đảm an toàn, nhất là các hộ ở ven sông, suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Tuyệt đối không để người dân bị thiếu đói, rét trong mưa lũ. Tổ chức di dời, sơ tán các hộ dân vùng ngập sâu, sạt lở đến nơi an toàn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều, hồ chứa nước và hệ thống công trình thủy lợi; chủ động xả nước đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã đầy và gần đầy nước để đảm bảo an toàn công trình và đón lũ theo quy trình vận hành; một số hồ thủy điện xả lũ đã được phản ánh và nhắc nhở kịp thời nên đến nay tất cả các hồ chứa đều an toàn.

Hình ảnh Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn "dãi gió dầm mưa" trực tiếp xuống vùng "rốn lũ" của tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình... để chỉ đạo công tác ứng phó, tìm kiếm người mất tích và phòng, chống mưa lũ; thăm hỏi, tặng quà và động viên nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống là minh chứng sống động về một Chính phủ "vì nhân dân phục vụ".

Các cơ quan chức năng cũng đã nỗ lực vào cuộc. Tiêu biểu như Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi sát diễn biến thời tiết, mưa, lũ và thường xuyên, kịp thời ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo.

Các cơ quan thông tin đại chúng liên tục đưa tin về diễn biến của mưa, lũ và công tác chỉ đạo, ứng phó của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương để người dân biết để chủ động phòng tránh.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương vùng mưa lũ đã theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, đôn đốc địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành.

Các địa phương cũng đã huy động cả hệ thống chính trị, phân công cụ thể cho các cán bộ chủ chốt phụ trách địa bàn trực tiếp cùng với chính quyền cơ sở chỉ đạo công tác ứng phó khắc phục hậu quả.

UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã dừng các cuộc họp để chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền tập trung triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Năm 2016 có tổng cộng 10 cơn bão kèm theo mưa lũ đã làm nhiều tỉnh miền Trung "ngập chìm trong biển nước". Trong "cơn hoạn nạn" bởi thiên tai, các tầng lớp xã hội trong cả nước hướng về miền Trung.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và các tổ chức xã hội khác cũng đã luôn "sát cánh" hỗ trợ, giúp đỡ hàng ngàn tỷ đồng, lương thực, thuốc... thắp sáng lên tình người trong bão lũ để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống cho hàng vạn người dân.

Câu chuyện đầy cảm động về những giáo viên của Trường Mầm non An Hiệp, tỉnh Phú Yên dầm mình dưới mưa lũ suốt nhiều giờ, nỗ lực tìm mọi cách để đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho học sinh trong lũ bão. Hình ảnh anh Võ Phong (thôn Đông Huề, xã Vượng Lộc, Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) quên đi sự hiểm nguy, lao xuống biển nước để cứu sống 2 học sinh Nguyễn Hùng Bá (thôn 10, xã Vượng Lộc, Can Lộc) và em Võ Văn Đạt (xã Thiên Lộc, Can Lộc) đều là học sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở Vũ Diệm, xã Vượng Lộc, Can Lộc thoát nạn... Đó là hành động phi thường, một trong những hình ảnh đẹp về tinh thần trách nhiệm, sự "tương thân tương ái" trong khó khăn và cần được nhân rộng.

Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức điều tra vết lũ, nhận dạng lũ; đánh giá ảnh hưởng, tác động tới đời sống, cơ sở hạ tầng vùng hạ du của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, qua đó đề xuất trình Chính phủ giải pháp căn cơ đảm bảo phòng, chống lũ an toàn, phù hợp với từng giai đoạn hiện nay.

Bộ Công thương phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, giám sát xả lũ các hồ chứa, đồng thời điều chỉnh phù hợp với thực tế để đảm bảo tích nước, phục vụ sản xuất năm 2017, đảm bảo đủ nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân; đẩy mạnh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó với mưa, lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động xử lý kịp thời các tình huống bất thường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, đơn vị liên quan, các địa phương khẩn trương nâng cao công nghệ dự báo, bao gồm hệ thống quan trắc, rada, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt để đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ ngày càng đòi hỏi phải chính xác và kịp thời hơn.

Huy động các nguồn lực hợp pháp trong xã hội để tăng các trạm đo mưa, mực nước tự động tại cộng đồng, nhất là đối với các vùng thường xuyên bị ngập lũ, sạt lở đất...

Tăng cường năng lực của cán bộ làm công tác truyền thông để truyền tải, phản ánh thông tin, tình hình thiên tai đến cộng đồng đảm bảo đúng quy định và sát với diễn biến thực tế.

Đồng thời quy định mật độ, lưới quan trắc, xây dựng kế hoạch và tổ chức lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng, thủy văn, camera giám sát, thiết bị cảnh báo khi xả lũ, xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và lớn; tuyên truyền thông tin xả lũ tới người dân vùng hạ du ứng phó kịp thời.

Rà soát, điều chỉnh các quy định, xây dựng các cơ chế phối cụ thể và phù hợp giữa chính quyền địa phương với các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong quá trình vận hành điều tiết xả lũ như một số hồ thủy lợi, thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý đã thực hiện.

Có chế tài xử lý với các chủ hồ không tuân thủ quy trình vận hành xả lũ, không trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý, về lâu dài cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và cộng đồng; phổ biến kinh nghiệm phòng chống lũ theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đảm bảo đúng kế hoạch được phê duyệt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương sớm đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn, phòng hộ; có kế hoạch cụ thể cho việc trồng mới, khoanh nuôi, phát triển và bảo vệ rừng. Hạn chế tối đa việc đầu tư xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chủ động rà soát lại các công trình, có giải pháp di dân, bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư một cách hợp lý tại khu vực nguy hiểm thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề về lũ bão nhằm phòng tránh và ứng phó hiệu quả với bão, mưa lũ. Xem xét, bổ sung trạm đo mưa, xây dựng các trạm đo mưa cộng đồng, trạm cứu hộ ở các tỉnh miền Trung (đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ), đầu tư phương tiện, trang thiết bị phù hợp với thực tế địa phương, củng cố lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn để xử lý các tình huống phức tạp và chủ động sơ tán dân khi có lũ lớn.

Triển khai các giải pháp ưu tiên nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, bao gồm mở rộng mặt cắt tiêu thoát lũ tại các hệ thống kênh tiêu, cầu, cống không đủ khẩu độ; xử lý chống sạt lở cửa sông ven biển tại các khu đông dân cư, khu kinh tế; phòng, chống sạt lở đất, lũ quét tại các khu vực miền núi; triển khai chương trình nâng cấp đê điều, hồ đập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Tăng cường và ưu tiên nguồn lực từ ngân sách Trung ương, dự phòng và các nguồn vốn khác cho xây dựng cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và hỗ trợ thiệt hại, xem xét, điều chỉnh rút gọn quy trình hỗ trợ thiệt hại và tổ chức thực hiện đảm bảo kịp thời theo hướng xử lý khẩn cấp.

Thực hiện tốt những giải pháp này sẽ từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai và đây chính là mục tiêu chung của chiến lược phòng, chống thiên tai của Việt Nam định hướng đến năm 2030.

Thắng Trung (TTXVN)
Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu
Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu

Từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh Long An quyết định đầu tư khoảng 1.581 tỷ đồng để xây dựng các công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất và đời sống người dân địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN