Riêng khu vực Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-120mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Thủ đô Hà Nội, từ ngày 17/5 đến ngày 18/5 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và mưa đá cấp 1.
Phân tích về hiện tượng dông, lốc, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Trần Quang Năng cho biết: Đặc điểm của gió lốc là tốc độ gió tăng mạnh đột ngột. Khi đối lưu phát triển mạnh trong các đám mây dông, sự chênh lệch nhiệt độ theo chiều thẳng đứng lớn, làm cho áp suất thay đổi đột ngột, tạo nên những cột gió xoáy lớn có khả năng phá hủy, hút, kéo rất lớn.
Hiện dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh tiềm ẩn mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh nên khi có các thông tin cảnh báo mưa dông thì người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố. Người dân cũng lưu ý, trong những ngày nắng nóng cần theo dõi chặt chẽ cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để có biện pháp để đề phòng thiệt hại do dông, lốc gây ra.
Đề cập đến hiện tượng sét, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam), sét là hiện tượng ngẫu nhiên cho nên không có vị trí an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc chủ động phòng tránh sét, tìm nơi an toàn hơn có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa dông sét nên người dân phải cẩn thận hơn, chịu khó theo dõi tình hình thời tiết. Người dân làm ở khu vực nào đó, phải để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn.
Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như: Mây đen, không khí lạnh, gió...
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.