“Tuyên chiến” với thịt và rau bẩn

Sáng 12/4, Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã được tổ chức tại Hà Nội với lời hứa ngay trong năm nay, cơ quan chức năng sẽ giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn, đặc biệt sẽ xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt.

Thực phẩm bẩn bủa vây

Lý giải vì sao Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 lại lấy chủ đề tương tự như năm 2015, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thừa nhận: “Gần đây, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn bức xúc, nổi cộm với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật còn cao, tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, năm nay Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP tiếp tục lấy chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Ngày 8/4, tại Đà Nẵng cũng công bố 100% mẫu măng lấy tại chợ đầu mối đều chứa chất cấm vàng ô. Đây là chất màu tổng hợp, được sử dụng trong công nghiệp nhuộm và trong xây dựng. Vàng ô là chất độc, ngay cả trong chăn nuôi cũng bị cấm sử dụng. Tồn dư chất vàng ô sẽ dẫn tới giảm chức năng nội tạng như thận, gan của con người và đặc biệt là nguy cơ ung thư.

Trước đó, ngày 23/3, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra cơ sở thu mua lợn, bắt quả tang 6 công nhân đang dùng xô nước có gắn vòi, bơm nước và tiêm thuốc an thần vào đàn lợn hàng trăm con. Theo cơ quan chức năng, người ăn phải thịt lợn mới được tiêm thuốc này trong vòng một tuần có nguy cơ mắc bệnh ung thư tủy, giảm hồng cầu, mục xương...

Tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng thịt “bẩn” được tuồn vào thành phố để tiêu thụ. Chi cục Thú y đã lấy 222 mẫu xét nghiệm từ các đàn lợn của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào thành phố để kiểm nghiệm. Kết quả, phần lớn các mẫu đều chứa chất cấm dùng trong chăn nuôi. Đặc biệt, qua kiểm tra 8 cơ sở giết mổ trên địa bàn cũng cho thấy việc sử dụng chất cấm để tạo nạc, tăng trọng cho lợn... đang ở mức báo động.

Riêng tại Hà Nội, các cơ quan chức năng cũng liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm ATTP. Đáng chú ý, không chỉ kinh doanh các loại thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, không nguồn gốc, kém chất lượng... nhiều đối tượng còn “phù phép” rau bẩn để tuồn vào các siêu thị... rau sạch...

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, chỉ trong quý I/2016, đơn vị này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 công ty vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt lên tới gần 500 triệu đồng. Trong đó, 13 công ty vi phạm về quảng cáo, 6 công ty vi phạm về chất lượng sản phẩm, Cục đã thu hồi 4 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; tạm dừng lưu thông 6 lô sản phẩm vi phạm...

Cần “xử lý” cả người đứng đầu

“Cần gắn trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương về tình hình ATTP trên địa bàn chứ không nên đổ hết cho ngành y tế hay ngành nông nghiệp. Cần phải kiểm điểm, xử lý những địa phương làm không tốt công tác này và để xảy ra các sai phạm lớn trên địa bàn khiến người dân bức xúc. Như vậy, các địa phương mới tích cực và chủ động vào cuộc, mới quyết tâm “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Hà Nội là đầu mối lớn về giao lưu thương mại, lượng thực phẩm tiêu thụ và lưu thông qua địa bàn rất lớn. Do đó, theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh kiểm tra, phát hiện bằng được các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn, công khai cho dân biết rõ thực trạng để họ lựa chọn.

Nhấn mạnh về công tác thanh kiểm tra về ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội đã yêu cầu rõ Chủ tịch UBND xã, phường phải đi kiểm tra ít nhất 1 tuần/lần, Phó Chủ tịch UBND xã, phường phụ trách ATTP phải đi kiểm tra ít nhất 3 tuần/lần. Do đó, tới đây, qua kiểm tra quá trình triển khai, phát hiện xã phường nào không làm được thì sẽ xử phạt, kiểm điểm nghiêm khắc nhằm siết chặt kỷ cương.

Trong Tháng hành động năm nay, Hà Nội sẽ tổ chức 6 đoàn thanh kiểm tra liên ngành ATTP, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt, nông sản. Qua thanh kiểm tra, thành phố sẽ kiên quyết xử phạt nghiêm khắc các cơ sở vi phạm theo quy định.

“Cần gắn trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương về tình hình ATTP trên địa bàn chứ không nên đổ hết cho ngành y tế hay ngành nông nghiệp...” Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long


Phương Liên - TTN
Ra mắt chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn”
Ra mắt chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn”

Ngày 1/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Tin tức VTV24 – Đài truyền hình Việt Nam đã ra mắt chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN