Nguy cơ trắng tay do giá lợn xuống thấp
Cuối năm 2015, gia đình anh Hầu Đức Hiếu, thôn Lão Nhiêu, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô 70 lợn nái và 300 lợn thịt. Sau 1 năm, gia đình anh thu lãi 400 triệu đồng.
Thấy hiệu quả, giữa năm 2016, anh Hiếu quyết định vay thêm tiền để mở rộng quy mô chuồng trại, tăng đàn… Tuy nhiên, khoảng 5 tháng trở lại đây, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, anh Hiếu phải vay mượn tiền, cố gắng nuôi duy trì 40 con lợn nái và 400 con lợn thịt của gia đình, chờ lợn tăng giá mới xuất bán để giảm bớt thua lỗ.
Hiện anh Hiếu đã thế chấp “sổ đỏ” và thiếu nợ đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi gần 300 triệu đồng. "Thời điểm này, lợn hơi có giá từ 15.000- 18.000 đồng/kg khiến mỗi con lợn lỗ từ 1,7 - 2 triệu đồng", anh Hiếu chia sẻ.
Tính từ tháng 11 âm lịch năm 2016 đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình anh Hiếu lỗ từ 50-70 triệu đồng. "Nếu bây giờ ngân hàng không cho vay, đại lý cám không cung cấp hàng theo hướng cho vay bằng hiện vật thì gia đình chỉ duy trì đàn lợn được khoảng 6 ngày nữa", anh Hiếu tính toán.
Năm 2014, tổng đàn lợn của xã Phú Lương, huyện Sơn Dương có 4.000 con và tăng lên trên 13.000 con vào năm 2016. Các hộ chủ yếu vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi lợn. Do đầu tư ban đầu quá lớn nên nhiều hộ vẫn cố gắng duy trì đàn lợn để chờ tăng giá. Trong khi đó, một số hộ đã chấp nhận bán lợn với giá rẻ vì càng nuôi càng lỗ.
Ông Lý Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết, tốc độ tăng đàn quá nhanh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá lợn xuống thấp.
Từ cuối 2016 đến nay, lợn bị “rớt” giá khiến các hộ chăn nuôi thua lỗ rất nhiều và đang đứng trên bờ vực phá sản. Theo thống kê của xã, việc giá lợn xuống thấp đã khiến các hộ chăn nuôi trên địa bàn chịu thua lỗ trên 10 tỷ đồng.
Ông Đỗ Anh Châu, thôn 6, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, gia đình đã nuôi lợn được 10 năm nhưng đây là lần đầu tiên giá lợn hơi xuống thấp như hiện nay.
"Mặc dù, gia đình tự sản xuất được con giống, tận dụng cả thức ăn tự nhiên nhưng vẫn chịu lỗ khoảng 1 triệu đồng/con lợn 80 kg. Nếu giá lợn vẫn thấp như hiện nay thì chỉ 3 tháng nữa người chăn nuôi sẽ đồng loạt phá sản", ông Châu nhận xét.
Gỡ khó cho người chăn nuôi
Tuyên Quang hiện có 244 trang trại, tổng đàn lợn của tỉnh trong quý I năm 2017 có gần 600.000 con. Hiện có trên 52.000 con đã đến thời kỳ xuất bán.
Giá lợn thịt đang ở mức thấp như hiện nay thì theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người nuôi đang chịu lỗ 1,4 triệu đồng cho mỗi con lợn đang đến thời kỳ xuất bán.
Để giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp cùng các ngành chuyên môn triển khai, rà soát, xem xét, xây dựng chính sách riêng đối với người chăn nuôi lợn.
Hàng loạt giải pháp như: khoanh nợ, giãn nợ cũ, gia hạn thời gian trả nợ cho các đối tượng chăn nuôi lợn bị thua lỗ; vận động các đại lý thức ăn gia súc giãn thời hạn trả nợ cho chủ trang trại, gia trại chăn nuôi lợn có hợp đồng lấy cám… cũng đã được tính đến.
Tỉnh cũng đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho lợn thịt của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí tiêm phòng vắc xin, vận chuyển cho người tiêu thụ lợn trên địa bàn.
Cùng với việc hình thành điểm bán thịt lợn nhằm bình ổn giá, tạo điều kiện nâng cao giá bán cho người chăn nuôi, giảm giá mua cho người tiêu dùng, Tuyên Quang còn tăng cường công tác quản lý thị trường, giảm các khâu trung gian tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.
Đàn lợn nái tại hộ chăn nuôi được tuyển chọn, bình tuyển lại để thải loại những con năng suất, chất lượng kém; nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn bản địa theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm đặc sản của địa phương…
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền vận động người chăn nuôi tuyệt đối không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá ngay cả trong thời điểm giá lợn hơi tăng cao.
Việc thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro được khuyến khích. Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho tiêu dùng nội địa và yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Trong thời gian tới, để tránh tình trạng bấp bênh về thị trường đầu ra cho chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang khuyến khích người chăn nuôi tăng cường tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và kiểm soát tốt hơn về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, dần hình thành các thương hiệu trong sản phẩm chăn nuôi lợn.