Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số vùng này đã từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến, áp dụng mô hình sản xuất khép kín, dồn đất để thực hiện cơ giới hóa theo mô hình cánh đồng mía mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thực tế những cánh đồng mẫu lớn ở Gia Lai đã cho hiệu quả kinh tế vượt trội trong những năm gần đây. Ngoài giá trị kinh tế cao hơn sơ với phương thức canh tác cũ, nhờ cơ giới hóa mà những cánh đồng mẫu lớn còn tránh được hạn hán trong mùa khô. Điển hình như cánh đồng mía lớn của bà con người Bahnar làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Hơn 20 hộ dân trong làng cùng nhau góp khoảng 50ha đất để làm cánh đồng mía mẫu lớn. Sau 2 năm triển khai cho hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ gia đình đã nhận thức được lợi ích từ việc sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, người dân tiếp tục nhân rộng mô hình sang các địa phương lân cận.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, cho biết: Chính quyền địa phương đã đồng hành, hỗ trợ người dân từ việc tuyên truyền, vận động, thay đổi tư duy sản xuất đến việc hướng dẫn kỹ thuật canh tác, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Qua mô hình cánh đồng mía mẫu lớn đã thành công tại làng Bờ, UBND xã Kông Lơng Khơng nhân rộng sang các làng khác, tạo điều kiện giúp nông dân yên tâm sản xuất, có nguồn kinh tế ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo.
Từ mô hình làng Bờ thành công, đồng bào ở làng Đáp xã Kông Lơng Khơng cũng đã góp đất thực hiện mô hình cánh đồng mía lớn. Thời điểm này, công đoạn xuống giống đang được triển khai. Chị Đinh Thị Sách, làng Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, cho hay: Gia đình chị có 1 ha mía trong cánh đồng mẫu lớn. Năm nay là năm đầu tiên làng Đáp thực hiện mô hình này và hy vọng nhờ cánh đồng mía mẫu lớn sẽ giúp đời sống kinh tế của người dân phát triển hơn.
Thông qua mô hình làm cánh đồng mía mẫu lớn, đồng bào dân tộc Bahnar từng bước chuyển mình trong tư duy sản xuất, qua đó nâng cao dân trí, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế địa phương.