Khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn xã Giao Hải, huyện Giao Thủy từ trưa 3/7 đã không còn chỗ trống. Theo các ngư dân xã Giao Hải, sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương về diễn biến phức tạp, khó lường cũng như khả năng bão có thể đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, các chủ tàu, thuyền, lao động trên biển đã ngừng mọi hoạt động khai thác, đánh bắt để đưa thuyền, bè vào bờ.
Anh Nguyễn Thế Anh ở xã Giao Hải cho biết, khi có bão gió to, biển động mạnh, việc đánh bắt trên biển vô cùng nguy hiểm, do đó để đảm bảo an toàn, anh cùng 4 thành viên đã đưa thuyền vào bờ từ tối 2/7.
Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Thành Mạnh cho hay, Giao Thủy có số lượng tàu thuyền và lao động làm nghề đánh bắt thủy hải sản lớn. Nhiều hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản, nuôi ngao ven biển.
UBND huyện đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện bám sát địa bàn được phân công theo dõi, xuống cơ sở cùng với lãnh đạo các xã, thị trấn triển khai phòng, chống bão.
Hiện 746 tàu thuyền với hàng nghìn lao động làm nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản của huyện đã vào nơi tránh trú an toàn. Toàn bộ lao động ở 667 lều, chòi nuôi trồng thủy sản, nuôi ngao cũng đã được vận động, đưa vào bờ.
Tại huyện Hải Hậu, chính quyền địa phương và nhân dân đã chủ động các phương án ứng phó với bão. Hàng trăm lao động làm việc ở các ki-ốt ven biển tại Khu du lịch Thịnh Long và Hải Lý đã được di dời.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Vũ Văn Kỳ thông tin, trên địa bàn huyện có 2 khu du lịch biển là: Thịnh Long và Hải Lý. Các xã, thị trấn đã cắt cử lực lượng thông báo, kêu gọi, đưa toàn bộ du khách vào nơi an toàn; bố trí lực lượng thường trực ngăn không cho tàu thuyền, ngư dân ở lại khu vực bên ngoài đê biển.
Theo lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng, tất cả 281 hộ dân ở khu vực ngoài đê Cồn Xanh đã được sơ tán vào trong đê. Toàn bộ tàu thuyền và lao động làm việc tại các lều, chòi trên địa bàn cũng đã vào bờ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, toàn bộ 2.137 tàu thuyền với hơn 6.000 lao động tỉnh Nam Định khai thác thủy hải sản trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn. Hơn 1.000 lều, chòi với trên 1.300 lao động nuôi trồng thủy sản, nuôi ngao khu vực ngoài đê biển cũng đã vào bờ.
Nhằm ứng phó với mọi tình huống bất ngờ do thiên tai gây ra, Nam Định đã chuẩn bị trên 42.490 m3 đá hộc, hơn 4.000 rọ thép và hàng trăm nghìn bao nilon, bạt chống tràn để xử lý các vị trí đê, kè có khả năng bị sạt, sụt.
Các địa phương trong tỉnh đã rà soát, lập danh sách các hộ dân đang sống trong khu nhà tạm, nhà yếu để sẵn sàng án di dân khi cần thiết.