Theo ghi nhận, ngay từ sáng 9/11, lực lượng của chính quyền địa phương đã đi ca nô thông báo, vận động bà con nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thị trấn Vạn Giã, xã Vạn Thạnh chủ động di dời, gia cố lồng bè tránh bão số 6. Riêng xã Vạn Thạnh có gần 35.000 ô lồng nuôi thuỷ sản đã được người dân di chuyển đến những khu vực kín gió, ven bờ hoặc eo biển có nhiều ngọn núi bao quanh như Đầm Môn, Sủng Ké, Hòn Ông, bãi Tranh…
Ông Ngô Văn Sang (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) cho biết, gia đình ông có 2 bè với 40 ô lồng đã thả 10.000 con tôm hùm trị giá gần 1 tỷ đồng. Khi biết tin bão số 6 có khả năng đổ bộ vào khu vực tỉnh Khánh Hoà, ông đã chủ động di chuyển bè nuôi vào vùng biển gần mép núi, kín gió nhằm đảm bảo an toàn.
Theo Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh Lê Hồng Phương, rút kinh nghiệm từ thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 12 năm 2017, xã đã tích cực vận động và yêu cầu bà con nhanh chóng di dời đến nơi an toàn nhằm đảm bảo về người và tài sản. Đối với trường hợp người dân không tự giác vào bờ trước khi bão số 6 đổ bộ, xã sẽ có phương án cưỡng chế.
Tương tự, những hộ có bè nuôi tôm hùm, nuôi cá các loại ở thị trấn Vạn Giã cũng chủ động di chuyển bè nuôi đến các vùng biển an toàn để tránh bão. Nhiều hộ nuôi còn lai dắt bè nuôi đến vùng biển giáp ranh thuộc xã Vạn Thạnh có nhiều nơi kín gió, có núi che chắn nhằm đảm bảo an toàn hơn.
Thống kê trên địa bàn huyện Vạn Ninh hiện có 40.000 lồng nuôi thuỷ sản với trên 2.600 lao động thường xuyên trên các bè nuôi. Theo kế hoạch phòng chống bão số 6, chậm nhất đến 8 giờ ngày 10/11, tất cả lồng bè của huyện sẽ được di dời đến nơi an toàn, gia cố chặt chẽ. Đối với những lao động làm việc trên lồng bè, chậm nhất đến 10 giờ ngày 10/11, phải vào bờ trước khi bão số 6 đổ bộ vào.