Ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tăng lương thực và giảm khí thải nông nghiệp

Các doanh nghiệp nông thực phẩm hàng đầu cùng thảo luận giải pháp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu tại COP21 nhằm tăng 50% lương thực và giảm 50% khí thải nông nghiệp vào năm 2030


Trong phiên thảo luận về nông nghiệp thuộc khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP21 diễn ra tại Paris (Pháp), các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nông thực phẩm đã bày tỏ mong muốn giải quyết các thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực cho dân số thế giới đang tăng nhanh chóng, đồng thời giảm lượng khí thải nông nghiệp gây hiệu ứng nhà kính.

Các tập đoàn hàng đầu thế giới: Pepsico, Monsanto, Olam và Kellogg đã chủ trì phiên thảo luận “Nông nghiệp thích ứng một cách thông minh với khí hậu (CSA)” với mục tiêu tăng50% lượnglương thực toàn cầu, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng nông thôn đồng thời giảm 50% khí thải nhà kính đến năm2030.


Ông Hugh Grant, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Monsanto chia sẻ: “Nông nghiệp và nông dân đóng vai trò quan trọng nhằm triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu một cách khác biệt. Bằng cách áp dụng công nghệ và tập quán canh tác tiên tiến như hạn chế cày xới đất trước khi gieo trồng, nông dân khắp thế giới đã chung tay làm nên những bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính và hạn chế sử dụng tài nguyên. Nhờ đó, cộng đồng nông nghiệp toàn cầu có thể tận dụng nguồn lực để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng".


Dựa trên đề xuất Sáng kiến hợp tác Công nghệ nhằm giảm Phát thải Carbon (LCTPi) của Hội đồng Doanh nghiệp vì phát triển bền vững toàn cầu (WBCSD), hội thảo “Nông nghiệp thích ứng một cách thông minh với khí hậu" tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: năng suất, khả năng chống chịu và giảm khí thải.


“Hiện nay, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người phải chịu tình trạng đói kinh niên và hơn 1 tỉ người trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng. Đảm bảo đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu của dân số thế giới với hơn 9 tỉ người đến năm 2050, chúng ta cần phải tăng ít nhất 50% lượng lượng thực hiện có. Những tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho thách thức này càng khó khăn hơn. Điều quan trọng là, cộng đồng nông nghiệp toàn cầu cần đoàn kết và cùng nhau nhân rộng các sáng kiến giúp nâng cao khả năng thích nghi của hệ thống nông nghiệp toàn cầu và hỗ trợ những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu”, ông Peter Bakker, Chủ tịch kiêm CEO WBCSD cho biết.


“Trên cương vị CEO của một tập đoàn hàng đầu về thực phẩm, tôi đã chứng kiến sự lan truyền và hậu quả khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra với tốc độ khó tin. Trong khi phần lớn cộng đồng nông dân và các chuyên gia trong ngành đã và đang quan tâm đến các giải pháp “Nông nghiệp thích ứng một cách thông minh với khí hậu" vẫn còn hàng triệu nông hộ nhỏ lẻ cung cấp thực phẩm hàng ngày như cà phê, cotton và chocolate cần được hỗ trợ phổ cập các giải pháp này. Trong khuôn khổ hội thảo của WBSCD, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành gắn kết chặt chẽ với đối tác của mình nhằm nhân rộng kiến thức và nâng cao khả năng ứng dụng các giải pháp này trong cộng đồng nông thôn”, ông Sunny Verghese, CEO Tập đoàn Olam chia sẻ

Hội thảo “Nông nghiệp thích ứng một cách thông minh với khí hậu"  được hỗ trợ bởi các tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp quốc, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp quốc cùng chính phủ các nước và các tổ chức khác.


Dưới sự chỉ đạo chiến lược và định hướng khoa học trong chương trình An ninh lương thực và nông nghiệp với biến đổi khí hậu (CCAFS) của Nhóm Tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR), nhóm chuyên gia đã xác định các hoạt động ưu tiên nhằm hỗ trợ các nông hộ nhỏ thông qua hợp tác dài hạn dựa với tinh thần công bằng, tin tưởng, nâng cao vị thế của nữ giới, chuyển giao kỹ thuật và kiến thức”.


"Với vai trò là một nhà nghiên cứu, chúng tôi đã cùng doanh nghiệp thiết lập và thực hiện mục tiêu không chỉ giảm lượng khí thải mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho các nông hộ nhỏ”, tiến sĩ Sonja Vermuelen, Trưởng nhóm nghiên cứu của chương trình CGIAR CCAFS cho biết.


Ngoài ra, nhóm chuyên gia CSA cũng sẽ có trách nhiệm báo cáo thành tích hoạt động dựa trên các mục tiêu phát triển bền vững.


Với năng lực chuyên môn của cộng đồng nông nghiệp toàn cầu, nhóm chuyên gia CSA đã liên kết với các tổ chức nông nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và kinh doanh thực phẩm thông qua đối thoại tại khu vực Nam Phi, Ghana, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu để lên kế hoạch hành động cho CSA.


Nhóm chuyên gia CSA đến từ các tập đoàn: PepsiCo, Monsanto, Olam, Kellogg, Starbucks, Diageo, Coca-Cola, Yara International, Tyson Foods, Walmart, Du Pont, Banamex, Unilever, PwC và Novozymes.

PP
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN