Theo dõi chặt tình hình mưa bão
Tại Hà Nam, để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của bão số 4 kết hợp với việc mực nước các sông dâng cao do hồ Hòa Bình, hồ Tuyên Quang đang mở cửa xả đáy, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh; Công ty Điện lực tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4.
Theo đó, các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão và xả lũ hồ chứa, thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực, trực ban, tuần tra canh gác; rà soát các phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều và các khu dân cư ngoài bãi sông. Đặc biệt lưu ý các trọng điểm phòng chống lụt bão, các vị trí đã xảy ra sự cố trong đợt mưa lũ tháng 7/2018.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động tiêu rút nước đệm, sẵn sàng tiêu úng hiệu quả cho lúa và hoa màu, đồng thời xây dựng kế hoạch bơm tiêu úng cụ thể, chi tiết cho các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu công nghiệp Đồng Văn, vùng trũng, vùng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài. Công ty Điện lực tỉnh đảm bảo nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng và thông tin liên lạc. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam tăng thời lượng đưa tin về bão số 4 và xả lũ hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang để nhân dân trong tỉnh biết, chủ động ứng phó.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 nên tỉnh Hà Nam từ đêm 14/8 có mưa vừa, mưa to và dông, trong cơn dông đề phòng có gió giật mạnh.
Khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi
Chủ động phòng chống bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là chính quyền các huyện vùng sâu vùng xa, theo dõi chặt chẽ diễn biến và ảnh hưởng của bão để thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân chủ động các biện pháp phòng, tránh đồng thời khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, đê điều, hạ du hồ chứa và các công trình thi công dở dang; chủ động tiêu nước đệm đối với các hồ chứa nước đã tích đủ dung tích thiết kế, vùng sản xuất nông nghiệp; triển khai biện pháp chống ngập úng cho các khu vực nội thành, nội thị khi có mưa lớn.
Các lực lượng chức năng ở tỉnh miền núi Thái Nguyên cũng đã quán triệt yêu cầu kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập; khẩn trương hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, sửa chữa, nâng cấp. Đặc biệt, cần triển khai lực lượng trực, kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, cầu tràn, cầu treo khu vực đường giao thông bị ngập hoặc sạt lở đất, đá; bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn; kiên quyết không để người, phương tiện đi qua các khu vực mất an toàn.
Trước đó ngày 11/8, tại các huyện Đại Từ, Phú Lương và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra mưa dông kèm gió lốc làm 32 nhà dân bị tốc mái; 0,5 ha hoa màu đổ gẫy và nhiều công trình khác bị ảnh hưởng. Thiệt hại ước tính hơn 900 triệu đồng. Ngay sau đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã triển khai nhanh các biện pháp giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.