Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đề nghị các đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, khẩn trương đưa tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay Chi cục đang phối hợp với các Đồn Biên phòng và chính quyền địa phương vùng biển tổ chức kiểm đếm tàu thuyền tại cảng, không cho ra khơi vào thời điểm này; tổ chức sắp xếp nơi neo đậu an toàn, an ninh cho tàu thuyền, kể cả tàu vãng lai; đồng thời liên lạc với các chủ tàu thuyền đang đánh bắt hải sản trên biển biết để kịp thời xử lý tình huống xấu có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, thông tin nhanh đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển chủ động neo lồng bè đảm bảo an toàn và đưa hết lao động trên lồng bè vào đất liền tránh trú. Trường hợp cần thiết tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi bão đổ bộ.
Hiện nay, các địa phương ven biển ở tỉnh Ninh Thuận và các vùng xung yếu trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương rà soát phương án sơ tán dân; đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực để kịp thời sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vùng hạ lưu thường ngập nước.
Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, hạn chế ngập cho vùng hạ lưu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh bố trí lực lượng, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ tại các hồ đập đã đầy nước. Nếu trường hợp khẩn cấp phải tiến hành xả lũ thì thông báo ngay cho địa phương vùng hạ lưu biết trước ít nhất 6 giờ đồng hồ trước khi tiến hành xả lũ để chủ động phòng tránh.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, tính đến sáng 26/10, lượng nước ở 21 hồ chứa của tỉnh đã đạt 58,26 triệu/194,49 triệu m3 dung tích chứa. Đến thời điểm này, có hai hồ ở huyện Ninh Phước và Bác Ái lượng nước đã xấp xỉ bằng dung tích chứa và đang phải mở cửa van xả lũ từ 1-2 m3/giây; hai hồ chứa khác ở huyện Ninh Hải và Bác Ái đã tràn tự do từ 3-10 cm.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, nông dân ở một số địa phương trong tỉnh (nhiều nhất là ở huyện Ninh Phước) đang rất khẩn trương tiến hành thu hoạch lúa vụ Hè Thu muộn để tránh bão đổ bộ, gây thiệt hại lớn cho sản xuất.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận dự báo, trong 24 giờ tới, khu vực tỉnh Ninh Thuận trên đất liền có mưa rào và dông rải rác; gió Đông Bắc cấp 2, cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Vùng biển có mưa rào và dông mạnh, gió Đông Bắc mạnh cấp 4, cấp 5, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2-3 m, biển động; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.