Đây là kỳ triều cường và đỉnh triều ở mức cao, có nguy cơ ngập lụt vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt cấp 3.
Để chủ động ứng phó với rủi ro ngập lụt do triều cường, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai tăng cường thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết để chủ động ứng phó.
Các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng, chống điện giật, đuối nước, tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các đoạn đường bị ngập... tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại các khu vực đông dân cư, bị ngập nước. Tăng cường kiểm tra, chủ động gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, các cống ngăn triều, ngăn mặn, nạo vét, khai thông cống rãnh, vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước để chống ngập úng; cắm biển cảnh báo các khu vực sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt; duy trì các chốt cứu hộ cứu nạn tại các điểm xung yếu, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa để chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sét.
Theo báo cáo số 102 ngày 25/10 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, ngày 24/10, trên địa bàn huyện Tân Kỳ mưa dông kèm theo lốc xoáy làm 1 nhà bị tốc mái, 1 chuồng trại bị sập; 0,25ha cây công nghiệp bị gãy, đổ; 5,3ha hoa màu bị thiệt hại; 8,4ha thủy sản bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 2,28 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện trên địa bàn để sửa chữa, khắc phục thiệt hại, sớm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.